Kết quả ban đầu cho thấy, môn Ngữ văn chưa xuất hiện điểm 10, điểm cao nhất chỉ là điểm 9 và rất ít thí sinh đạt được.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chấm thi tại địa phương. Ảnh: Bộ GD&ĐT
An toàn, bảo mật được đặt lên hàng đầu
Ngay sau khi môn thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 kết thúc, 63 hội đồng thi trong cả nước đã triển khai chấm bài thi trắc nghiệm và tự luận. Theo quy định, phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày. Thanh tra chấm thi tuyệt đối không được mang các phương tiện thu phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng, bút xóa, bút chì và các loại bút không nằm trong quy định của Ban Chấm thi (tự luận, trắc nghiệm) khi vào và ra khỏi khu vực chấm thi.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Chấm môn Ngữ văn do các Sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Về chấm thi trắc nghiệm, Hội đồng thi kiểm tra túi bài thi có còn dấu niêm phong, sau đó cắt từng túi đựng bài thi và quét ngay. Phần mềm chỉ cho phép người dùng can thiệp sửa lỗi kỹ thuật vào những chỗ có lỗi. Việc đánh phách điện tử không thể có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân, kết quả bài làm của thí sinh. Ngay cả người thực hiện cũng không thể quay lại quy trình của phần mềm để can thiệp được nữa”.
Tại các địa phương, công tác chấm thi được triển khai hết sức cẩn thận, tăng cường đảm bảo an toàn, phòng chống gian lận thi cử. Tại Hà Nội, nơi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước trong kỳ thi năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã huy động gần 500 cán bộ chấm thi, trong đó gần 40 người là giảng viên đại học. Cùng với đó, khoảng 70 nhân sự, bao gồm an ninh, phục vụ và 12 máy đã được huy động chấm trắc nghiệm. Dự kiến, công tác chấm bài thi tự luận sẽ hoàn thành vào ngày 12/7 theo đúng kế hoạch. Còn tại TPHCM, đã huy động khoảng 650 cán bộ chấm thi tự luận và đã hoàn thành việc chấm thi tự luận.
Còn tại tỉnh Phú Thọ, theo ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phù Thọ, bắt đầu từ ngày 30/6, công tác chấm bài thi trắc nghiệm đã được triển khai và do Trường ĐH Thương Mại chủ trì. Đối với bài thi tự luận, Sở đã huy động 80 giáo viên THPT tham gia vào công tác chấm thi. Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Phú Thọ đã bố trí cán bộ an ninh trực 24/24h; riêng khu vực chấm thi được bố trí máy phá sóng điện thoại và có máy kiểm tra an ninh. Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Tuyên Quang cho biết, toàn tỉnh có hơn 7.700 bài thi tự luận và trên 23.000 bài thi trắc nghiệm của thí sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật tại khu vực chấm thi được bảo đảm, hệ thống camera hoạt động ổn định, lực lượng an ninh túc trực 24/24h.
Chưa xuất hiện điểm 10 môn Ngữ văn
Trong thời gian chấm thi, một số địa phương xảy ra tiêu cực điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 trở thành tâm điểm chú ý. Cụ thể, khu vực chấm thi của tỉnh Sơn La gồm một tòa nhà 3 tầng và một dãy nhà 1 tầng, là khu riêng biệt, có hàng rào bảo vệ. Khu vực chấm thi được công an bảo vệ 3 vòng nghiêm ngặt. Tại Hòa Bình, Công an tỉnh Hòa Bình đã xây dựng phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn, gồm 5 chiến sĩ công an, 2 bảo vệ thường trực. Các phòng, thiết bị chấm trắc nghiệm được Bộ Công an rà soát kiểm tra niêm phong trước khi đưa vào sử dụng…
Còn tại Hà Giang, toàn tỉnh có hơn 5.000 bài thi tự luận và trên 25.400 bài thi trắc nghiệm. Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết, công tác chấm thi diễn ra từ ngày 30/6 và phấn đấu kết thúc vào ngày 6/7. Đến thời điểm ngày 5/7, đã quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Đối với bài thi tự luận, cũng đã chấm xong 2 vòng của 31 túi bài thi và đang tiến hành khớp điểm giữa các giám khảo; đồng thời tiến hành nhập điểm, thực hiện chấm cuốn chiếu để đảm bảo đúng tiến độ.
Như vậy, môn Ngữ văn ngoài Hà Giang, còn có TPHCM cũng đã hoàn thành chấm thi môn này. Tính đến cuối giờ chiều 5/7, theo ghi nhận, cả nước chưa xuất hiện bài thi điểm 10 môn Ngữ văn, chỉ có điểm 9. Theo kết quả sơ bộ tại kỳ thi năm nay, toàn TPHCM có trên 61.000 bài Ngữ văn đạt điểm trung bình trở lên, tỉ lệ 89,4%. Điểm cao nhất môn Văn của thí sinh là điểm 9, với 6 bài thi. Tương tự, điểm 9 cũng là mức điểm cao nhất mà thí sinh đạt được ở môn Ngữ văn tại tỉnh Cao Bằng. Nhiều địa phương điểm cao nhất môn Ngữ văn cũng chỉ 8 - 8,5 điểm.
Qua kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, một mặt làm nghiêm, đúng quy trình. Mặt khác cũng cần tạo không khí nhẹ nhàng, môi trường làm việc thuận lợi để các cán bộ, giám thị làm việc thoải mái. Với môn thi trắc nghiệm, làm đúng theo quy trình là chấm xong vòng 1, vòng 2, sau đó chọn những bài điểm cao hoặc những bài có dấu hiệu cần phải thẩm định để chấm kiểm tra lại. Quan điểm là an toàn, chính xác, trung thực và khác quan, để những bài điểm cao phải thực sự xứng đáng vì đó là công sức của thí sinh và các em tự hào về điểm số của mình.u
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Hội đồng thi gửi kết quả về Bộ chậm nhất ngày 13/7 và Bộ hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 13/7. Hội đồng thi công bố điểm thi và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 14/7. Chậm nhất ngày 16/7, Sở GD&ĐT các tỉnh cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào Hệ thống quản lý thi. Dự kiến, công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 18/7. Sau khi có kết quả thi, Chủ tịch Hội đồng thi chỉ đạo Ban Thư ký Hội đồng thi in Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh (theo mẫu thống nhất do Bộ GD&ĐT quy định).