PV: Hiện nay, dạng nhà ở riêng lẻ “biến tướng” thành chung cư mini đang mọc lên rất nhiều trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo ông, người mua chung cư mini đang phải đối mặt với những rủi ro nào?

PGS. TS Trần Chủng: Xuất phát từ nhu cầu có nhà ở của số đông người lao động nghèo hoặc sinh viên tại các thành phố lớn làm xuất hiện khá ào ạt loại nhà cho thuê. Ban đầu lànhữngngôi nhà cấp bốn được tận dụng trên các mảnh đất chưa sử dụng, sau này được “nâng cấp” thành những ngôi nhà nhiều tầng hơn và được đặt tên là chung cư mini.

Những ngôi nhà này được cấu tạo gồm nhiều phòng ở có tiện nghi tối thiểu cho một căn hộ khép kín như phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh. Do không được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật về xây dựng như việc xin phép xây dựng và thông qua một loạt các biện pháp giám sát công tác thiết kế, thi công của các cơ quan chuyên môn nên loại “chung cư” này luôn tiềm ẩn những vi phạm về quy hoạch, chất lượng công trình, môi trường, an toàn sử dụng và đặc biệt về an toàn cháy nổ.

Chung cư mini ngõ 201 Cầu Giấy nằm sâu trong ngõ cụt.

Chung cư mini ngõ 201 Cầu Giấy nằm sâu trong ngõ cụt.

PV: Thưa PGS.TS Trần Chủng, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy ở chung cư nói chung và chung cư mini nói riêng?

PGS. TS Trần Chủng: Nhà chung cư cùng một số loại công trình dân dụng khác như nhà hát, trường học, nhà thi đấu thể thao… có yêu cầu rất cao về an toàn sử dụng bởi vì các loại công trình này sẽ gây thảm họa về sinh mạng một khi xảy ra bất kỳ sự cố công trình nào. Trong những yêu cầu về an toàn chịu lực, an toàn sử dụng thì một yêu cầu bắt buộc là phải đảm bảo an toàn cháy nổ.

Vì vậy, Luật về phòng chống cháy nổ đã đưa ra trình tự kiểm soát rất nghiêm ngặt sự tuân thủ các quy định này ngay từ khi lập dự án xuyên suốt các giai đoạn thiết kế, thi công và khai thác vận hành. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn cháy nổ sẽ tạo ra sản phẩm là công trình xây dựng có đủ điều kiện phòng ngừa cháy nổ và có khả năng cứu hỏa, cứu nạn hiệu quả nếu sự cố xảy ra. Tình trạng nhiều công trình chung cư không tuân thủ các quy định này có thể coi là sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật và sự coi thường sinh mạng của con người.

PV: Theo ông, những vi phạm về chất lượng công trình, phòng cháy chữa cháy, xây dựng trái phép ở chung cư mini thì trách nhiệm thuộc về ai?

PGS. TS Trần Chủng: Hiển nhiên trách nhiệm đầu tiên về các vi phạm này là các chủ đầu tư. Pháp luật đã quy định rất đầy đủ các việc họ phải làm, phải tuân thủ nhưng không thực hiện hay cố tình không thực hiện thì pháp luật cần nghiêm khắc với họ. Không thể vì lợi ích kinh tế ích kỷ mà coi thường luật pháp, bỏ qua các điều kiện an toàn cho đồng bào mình.

Ngoài ra, theo tôi, trách nhiệm quản lý của chính quyền đô thị cần được nghiêm túc xem xét. Mọi hoạt động của xã hội, chính quyền có nghĩa vụ hướng dẫn mọi chủ thể trong xã hội tuân thủ pháp luật và phải kiểm tra sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể.

Vì vậy, việc hình thành một chung cư mini không thể diễn ra trong thời gian quá ngắn mà cả hệ thống chính trị không biết. Không thể biện minh cho sai sót nghiêm trọng này về quản lý Nhà nước của chính quyền. Vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ, chất lượng công trình tại các chung cư mini của chủ đầu tư cũng không thể bỏ qua trách nhiệm quản lý của chính quyền, cụ thể là chính quyền cấp phường, xã.

PGS. TS Trần Chủng

PGS. TS Trần Chủng.

PV: Một vấn đề của chung cư mini được nhiều chuyên gia quan tâm đó là việc phát triển ồ ạt, trá hình dưới dạng nhà trọ, nhà cho thuê căn hộ, thậm chí xây dựng trái phép dẫn đến quy hoạch chung của Hà Nội bị biến dạng, gây áp lực cho hạ tầng và không gian đô thị. Quan điểm của ông về câu chuyện này như thế nào?

PGS. TS Trần Chủng: Rõ ràng sự phát triển ồ ạt không kiểm soát chung cư mini sẽ làm biến dạng ghê gớm bộ mặt đô thị. Sự lộn xộn về mặt quy hoạch phá vỡ cấu trúc lõi của một khu ở đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cấp thoát nước… gây áp lực không nhỏ cho cuộc sống hàng ngày của cư dân.

Kiến trúc hỗn độn, pha tạp làm cho bộ mặt tiểu khu thêm lem nhem, nhếch nhác, tạm bợ. Chưa kể việc quản lý cư dân không tốt, có thể từ các lọai chung cư này xuất hiện các tệ nạn xã hội làm xói mòn cuộc sống văn minh tại các đô thị mà chúng ta đang kỳ vọng.

PV: Nhìn một cách khách quan, chung cư mini ra đời được đánh giá là xu hướng tất yếu đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân đô thị, ông có cho rằng đây là một loại hình nhà ở tốt, cần phát triển hay không? Để mô hình này phát triển tốt thì cần quản lý như thế nào, đặc biệt là công tác đảm bảo chất lượng công trình?

PGS. TS Trần Chủng: Tất nhiên, nhìn vào thưc trạng thiếu nhà ở cho cư dân đô thị hiện nay do sự tăng trưởng cơ học, số dân di cư từ các vùng nông thôn về thành phố sinh sống, làm ăn thì nhu cầu loại nhà này có thể được coi là xu thế tất yếu. Đứng trước tình trạng này, chính quyền các đô thị cần đặt lên bàn nghị sự vấn đề này để xem xét một cách thấu đáo. Không chỉ là các vấn đề xã hội mà trước tiên là các vấn đề về xây dựng.

Cần đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí hợp lý cho việc hình thành nhà chung cư mini. Những nội dung mà pháp luật chưa có thì cần đề xuất bổ sung để làm công cụ quản lý. Cũng cần có sự tham vấn rộng rãi các chuyên gia và điều tra xã hội học về vị trí của loại chung cư này, trong các loại hình công trình xây dựng ở đô thị. Dù có thể là thành tố tồn tại có thời hạn hay lâu dài, bất luận đã là công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng công trình và an toàn sử dụng đặc biệt phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng.

Cần rà soát tổng thể các chung cư mini hiện nay trong các đô thị để đánh giá đúng thực trạng. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng, an toàn cháy nổ cùng hợp tác với chính quyền để đề xuất các giải pháp khả thi khắc phục các sai sót hiện nay của các loại nhà này. Khi không đảm bảo các điều kiện liên quan đến an toàn sinh mạng cho cư dân, cần kiên quyết loại bỏ nếu không có khả năng khắc phục.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

Theo Reatimes.vn