Năm 2017, doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016 và chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa cùng doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ước tính, đã có khoảng 33,6 triệu người Việt tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm trung bình là 186 USD.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang đứng đầu về lượng người tham gia mua sắm trực tuyến với 581,5 triệu người. Tuy nhiên, về giá trị mua sắm thì Mỹ đang là quốc gia mà người dân "bạo chi" nhất cho hoạt động mua sắm online với mức chi trung bình trên 1.872 USD/người.
Với sự phát triển rầm rộ của các website bán hàng cũng như fanpage là lý do khiến cho nhóm sản phẩm quần áo, giày dép và mỹ phẩm là nhóm mặt hàng được mua trực tuyến nhiều nhất, chiếm 59%. Tiếp đến là đồ dùng công nghệ, điện tử cùng các thiết bị đồ dùng gia đình - chiếm 47%. Các dịch vụ đặt chỗ, tour du lịch cùng sách, văn phòng phẩm, hoa, quà tặng chiếm 31% nhu cầu mua sắm.
Để đáp ứng các nhu cầu này, mỗi người tiêu dùng Việt Nam đã chi ít nhất 1 triệu đồng mỗi năm cho hoạt động mua sắm online. Có thể thấy không có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm khách hàng, ở ngưỡng chi từ 1-3 triệu có khoảng 31% người - chiếm tỷ lệ cao nhất, ở ngưỡng chi cao hơn từ 3-5 triệu chiếm 20% và nhóm khách hàng bạo chi với mức chi trên 5 triệu/năm cho việc mua hàng trực tuyến cũng chiếm tới 24%.
Người Việt quan tâm điều gì khi mua sắm trực tuyến?
Trả lời cho câu hỏi này, 79% khách hàng cho biết đó là chất lượng hàng hóa dịch vụ, tiếp đến là giá cả của sản phẩm, uy tín của người bán là điều mà người Việt lưu tâm thứ 3 khi mua sắm online. Quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hóa cùng phương thức thanh toán cũng là những điều mà người mua hàng chú trọng.
Đáng chú ý, theo báo cáo được nêu ra tại Sách trắng thương mại điện tử 2018, chỉ có 1% khách hàng không hài lòng về dịch vụ mua sắm trực tuyến. 10% khách hàng cảm thấy rất hài lòng, 54% cảm thấy hài lòng và 35% khách hàng thấy bình thường về hoạt động mua sắm online.
Trả lời cho câu hỏi về việc có tiếp tục mua hàng trực tuyến trong thời gian tới thì có tới 98% khách hàng gật đầu, chỉ 2% có câu trả lời là không.
Song song với việc phát triển thì hoạt động mua sắm trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Trong đó, sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo chiếm 77%, việc người dùng lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ cũng là một vấn đề đáng bàn và chiếm tới 36%, giá cả không rõ ràng hoặc không thấp hơn mua trực tiếp cũng là điều khiến người mua thấy không thoải mái, chiếm 35%, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém - chiếm 32%, dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu - chiếm 31%,...
Do đó mà nhiều người tiêu dùng vẫn nói không với hoạt động mua sắm trực tuyến bởi theo họ thì rất khó để kiểm định chất lượng hàng hóa khi mua qua mạng, đồng thời, lại dễ bị lộ thông tin cá nhân cũng như để xây dựng niềm tin với các đơn vị bán hàng là điều tốn kém thời gian. Bởi vậy, nhiều người dùng vẫn cảm thấy thuận tiện hơn khi mua sắm tại cửa hàng thay vì mua hàng trực tuyến.