Góc nhìn chuyên gia về cách giáo dục con bằng đòn roi
Giáo dục con trẻ bằng đòn roi liệu có nên người hay điều này chỉ gây cho con những tổn thương về tinh thần và thể xác? (Ảnh: Awareness Act)
Edith Bracho-Sanchez là một bác sĩ nhi khoa và hiện đang là một thành viên truyền thông và sức khỏe toàn cầu của trang CNN. Về vấn đề giáo dục con nhỏ bằng cách đánh đòn, ông Bracho-Sanchez đã có những chia sẻ công bằng về hình thức dạy con “yêu cho roi cho vọt”.
“Tôi lớn lên cùng với những lần bị đòn, và giờ đây tôi nghĩ rằng tôi vẫn trở thành một người tốt. Không chỉ mình tôi bị đánh đòn vào thời ấy, mà tất cả những người xung quanh tôi cũng đều như vậy: anh chị ruột, anh chị em họ của tôi, cả hàng xóm nữa. Tất cả lũ trẻ chúng tôi đều biết và sợ cái nhìn đe dọa trên mặt của cha mẹ, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ bị đòn khi về đến nhà.
Đó là một phần của cuộc sống khi mà chúng tôi còn nhỏ tuổi. Tôi thậm chí đã đến trường y và tham gia khóa đào tạo về nhi khoa những vẫn nghĩ rằng đánh đòn chẳng phải vấn đề gì lớn, đấy chỉ là một phần trong quá trình dạy dỗ chúng tôi thôi.
“Yêu cho roi cho vọt”, nhưng thực sự có mang lại lợi ích giáo dục như các bậc cha mẹ vẫn tưởng? (Ảnh: Verywell Family)
Về sau, tôi đã tiếp cận với các thông tin và hiểu được một hai về cách mà não của trẻ hoạt động khi chúng bị trừng phạt.
Chọn cách giáo dục bạo lực là chọn tham gia vào một canh bạc
Tôi chợt nhận ra rằng, cha mẹ tôi đã tham gia vào một canh bạc khi giáo dục tôi bằng những hình phạt về thể xác. Tôi đã trưởng thành thật tốt, nhưng cũng có khả năng tôi chẳng thể nào được như ngày hôm nay.
Việc dạy con bằng đòn roi giống như tham gia vào một canh bạc, nơi các bậc phụ huynh không biết con mình sẽ trưởng thành tốt đẹp, hay sẽ trở thành một cá thể lạc lõng (Ảnh: Jozikids)
Nói một cách công bằng, cha mẹ tôi không xem việc nuôi dạy con cái như chơi cờ bạc. Tuy vào khoảng những năm 1980 đầu 1990, họ nuôi con nhưng lại không hề có tri thức nền tảng của 20 năm nghiên cứu y học.
Nghiên cứu này đã chỉ ra mối liên hệ giữa hình phạt thể xác - bao gồm việc đánh đòn với nguy cơ mắc chứng trầm cảm, tính cách hung hăng, có vấn đề về nhận thức, hành vi mạo hiểm ở thanh thiếu niên, cũng như mối quan hệ tiêu cực giữa cha mẹ và con cái của chính họ.
Giáo dục bằng bạo lực sẽ chỉ mang lại những tổn thương to lớn về tinh thần cũng như thể xác cho các bé (Ảnh: Melbourne Child Psychology)
Nhiều nhà phản biện cho rằng nghiên cứu này không thể khẳng định việc đánh đòn gây ra các hành vi kể trên. Tuy nhiên, sẽ chẳng có tổ chức nào phê duyệt nghiên cứu với một nửa trẻ em chịu bạo lực và một nửa thì không, chỉ để ghi lại sự khác biệt trong hành vi của chúng.
Vào thời điểm hiện tại, tôi trên cương vị là một bác sĩ nhi khoa luôn khuyên các bậc phụ huynh rằng đánh đòn các bé là một yếu tố rủi ro, và cũng là một canh bạc không cần thiết.
Giáo dục có mục tiêu là dạy bảo, không phải trừng phạt
Tôi tin rằng cha mẹ tôi, cũng như các bậc phụ huynh mà tôi đã tư vấn về vấn đề kỉ luật, đều muốn dạy con cái đúng cái sai khi họ đánh đòn.
Trẻ em xứng đáng nhận được sự bao dung (Ảnh: Momtastic)
Nhưng ở thời điểm quá giận dữ, các bậc phụ huynh thường đánh mất mục đích dạy con và thay vào đó, họ tập trung vào hình phạt. Đây là một trong những “điểm yếu” của loại hình giáo dục bằng đòn roi: cha mẹ không thể lên kế hoạch và sắp xếp suy nghĩ trước khi họ đưa ra hình phạt. Là một người Công giáo sùng đạo, tôi cũng biết rằng từ “kỷ luật” xuất phát từ tiếng Latin “disciplinare”, có nghĩa là dạy hoặc đào tạo, giống như cách mà học trò noi theo giáo viên vậy.