Không được tước quyền lựa chọn SGK của các nhà trường

Công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 đang được tiến hành tại nhiều địa phương. Việc lựa chọn SGK do chính các cơ sở giáo dục quyết định nên công tác này đã thu hút hàng nghìn thầy cô tham gia. Qua tìm hiểu có thể thấy các nhà trường nhất là các khối trường trường tư thục rất tâm huyết bởi họ được quyền quyết định các bộ sách phù hợp với chính định hướng giáo dục của nhà trường.

Trong công tác chọn sách giáo khoa cần thiết phải tôn trọng quyền của các nhà trường và giáo viên không nên áp đặt bằng quyết định hành chính (ảnh minh họa - nguồn TL).

Tuy nhiên với quy định mới trong dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thì tới đây các nhà trường sẽ không có quyền lựa chọn SGK mà quề thuộc về Ủy ban nhân dâp cấp tỉnh. Ngoài ra, hiện nay các nhà trường được chọn lựa sách giáo khoa riêng thì tới nay, trong một tỉnh, ở một khối lớp, một môn học chỉ được chọn một SGK (ví dụ, SGK môn Toán lớp 1, sẽ chỉ có một sách cho toàn tỉnh).

Dự thảo thông tư này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, hiệu trưởng của một trường Tiểu học tư thục tại Hà Nội cho rằng quy định như vậy là bất hợp lý. Bởi chuẩn của các trường ngoài công lập yêu cầu là cao hơn mặt bằng chung. Vì thế không thể sử dụng chung một SGK với các trường trong thành phố. Mỗi trường tư thục đều có mục tiêu đào tạo riêng nên không thể đồng nhất theo kiểu đồng phục. Do đó, quy định  trong một tỉnh mỗi môn học của một khối lớp chỉ sử dụng một SGK là bất hợp lý.

Hiện nay, việc tổ chức chọn SGK thực hiện theo Thông tư 01 tại các trường tiểu học đang rất bài bản, công phu. Nhưng nếu Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7 thì các giá trị của công tác này từ trước đến nay trở thành vô nghĩa. “Tôi thấy nên để các cơ sở giáo dục tự chọn SGK thì mới đúng vì chính họ mới là người chịu trách nhiệm giáo dục tới từng học sinh và phụ huynh học sinh. Còn sự áp đặt từ cấp trên là không nên trong môi trường giáo dục” – Hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Còn đâu là tự do học thuật?

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, việc chọn lựa sách giáo khoa bản chất là của giáo viên và các nhà trường. Ủy ban nhân dân các tỉnh không làm thay được việc này. Mặc dù, Ủy ban nhân dân các tỉnh muốn quyết thì phải có ý kiến của Sở GD&ĐT, mà Sở GD&ĐT cũng phải dựa vào ý kiến của các nhà trường.

Tuy nhiên, nếu quy định như vậy là duy ý chí, nên để các trường đề xuất nguyện vọng, sau đó tập hợp lại nguyện vọng của toàn tỉnh. Không nên dùng một cuốn SGK cho một môn học ở một cấp học. Vì điều này còn phụ thuộc vào trình độ của từng giáo viên. Còn nếu như dự thảo quy định thì đang trở về theo lối cũ chứ không còn tự do học thuật. Việc chọn SGK theo dự thảo cũng dễ phát sinh tiêu cực do các nhà xuất bản tìm cách tác động. Cần tôn trọng quyền tự do lựa chọn vì đó là quyền của các nhà trường.

Được biết, Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và sẽ thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo dự thảo Thông tư, Hội đồng lựa chọn SGK do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng. Thành viên hội đồng lựa chọn SGK bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy. Hội đồng có trách nhiệm lựa chọn SGK theo quy định và tiêu chí của Ủy ban nhân dân tỉnh; Đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Giải trình trước cấp tỉnh về danh mục SGK được lựa chọn, việc tiếp thu ý kiến góp ý về việc lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu sách giáo khoa. SGK  được lựa chọn phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương; đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi đến hết 17/6/2020.

Theo Trinh Phúc/Công luận