Việc “làn sóng thứ hai” của đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới, đưa con số người nhiễm bệnh lần đầu vượt mốc 20 triệu trường hợp mắc bệnh, đồng thời khiến nhiều quốc gia phải trả giá đắt khiến chúng ta càng không thể chủ quan và cần phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn bằng được, không cho làn sóng nguy hiểm này bùng phát tại nước ta.
Chúng ta đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt nhằm sớm dập dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam
Ca mắc Covid-19 tăng đột biến trên thế giới
Ngày 6-8-2020 đánh một dấu mốc đáng buồn trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) khi lần đầu vượt mốc 20 triệu trường hợp mắc bệnh tại trên 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng tính tới ngày 6-8, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 711 nghìn người tử vong vì dịch Covid-19.
Như vậy, đại dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tại tâm dịch thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc đầu tháng 1-2020 tới nay đã lây lan và hoành hành gần như mọi quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới. Đáng nói là điều mà giới chuyên môn gọi “làn sóng thứ hai” bùng phát khi nới lỏng giãn cách xã hội vào thời điểm tưởng đã khống chế được dịch Covid-19 còn khiến số người nhiễm bệnh và tử vong còn tăng vọt hơn rất nhiều so với “làng sóng thứ nhất” xảy ra khi dịch mới bùng phát.
Thống kê dựa trên số liệu thu thập hai tuần qua cho thấy, trung bình mỗi ngày thế giới có gần 5.900 người tử vong vì đại dịch Covid-19, tức khoảng 247 người chết mỗi giờ, hay nói cách khác cứ sau 15 giây thế giới lại có 1 người chết vì dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Trong đó Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và các nước Mỹ Latin hiện là các tâm dịch mới của thế giới với số ca mắc bệnh tăng vọt.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, Mỹ đã ghi nhận hơn 4,9 triệu ca nhiễm và hơn 160.000 trường hợp tử vong do dịch Covid-19. Ở các khu vực khác, như Australia, Nhật Bản, Bolivia, Sudan, Ethiopia, Bulgaria, Bỉ, Uzbekistan, Israel… dù đã kiểm soát được dịch bệnh giai đoạn đầu song giờ đây lại đang phải chứng kiến số ca nhiễm bệnh mới tăng đột biến trở lại, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn kéo dài.
Sau khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm thì nhiều quốc gia châu Âu đang chứng kiến số ca mới tăng trở lại do nới lỏng các biện pháp phòng dịch nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế. Trước cảnh báo của Pháp, Hiệp hội Bác sĩ Đức cho biết nước Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai và có nguy cơ lãng phí thành công ban đầu khi các quy tắc giãn cách xã hội không được tuân thủ.
Hội đồng Khoa học của chính phủ Pháp cho biết nước này có nguy cơ không thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 và làn sóng lây nhiễm thứ hai nhiều khả năng sẽ diễn ra vào mùa thu hoặc mùa đông năm nay. Cơ quan này cảnh báo tình hình dịch bệnh ở Pháp có thể rơi vào kịch bản mất kiểm soát bất kỳ lúc nào khi đã có hơn 192.000 ca nhiễm bệnh và hơn 30.000 ca tử vong vì Covid-19.
Dịch bệnh vẫn diến biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Á như tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này thông báo số ca mắc Covid-19 cả nước đã vượt 1,9 triệu người. Ấn Độ đã ghi nhận thêm tới 52.509 ca nhiễm mới và 857 ca tử vong chỉ trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vượt 1,9 triệu và hơn 40 nghìn ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Philippines ghi nhận thêm 3.462 ca mắc Covid-19 mới và 9 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên hơn 116 nghìn ca và hơn 2.100 ca. Trong khi đó, quốc gia có số ca mắc bệnh và tử vong nhiều nhất Đông Nam Á là Indonesia cũng ghi nhận thêm hơn 1.800 ca mắc mới và hơn 60 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt hơn 117 nghìn ca và gần 5.500 ca…
Dốc toàn lực dập dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam
Kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày không có ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng - ca bệnh số 416 ở Đà Nẵng vào ngày 25-7-2020, số ca mắc bệnh tại nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận thêm mỗi ngày, trong đó đã có những trường hợp tử vong do có các bệnh nền quá nặng. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần qua, số ca bệnh Covid-19 của nước ta đã tăng khá mạnh từ con số lên 416 trường hợp lên 747 trường hợp tính tới 18h ngày 6-8.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng, nhận định số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta có thể sẽ còn tăng lên, dự kiến lên đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới. Vị Thứ trưởng Bộ Y tế được xem như là “tư lệnh” tại “mặt trận tiền phương” ở Đà Nẵng này nêu rõ, qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới, người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh.
Kể từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng sau 99 ngày, cả hệ thống chính trị, từ các cơ quan ở Trung ương tới địa phương, đã triển khai các biện pháp khẩn trương, mạnh mẽ khống chế không để dịch bệnh lây lan với ưu tiên cao nhất là nơi tuyến đầu chống dịch Đà Nẵng và Quảng Nam. Bộ Y tế đã nhanh chóng thành lập bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp điều hành.
Đây là lực lượng phòng chống dịch tinh nhuệ của Bộ Y tế đã có kinh nghiệm xử lý các “ổ dịch” Covid-19 phức tạp trước đó như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã huy động gần 1.000 người phục vụ công tác phòng chống dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Các đội phản ứng nhanh số 3 Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi đã góp phần quan trọng cứu sống bệnh nhân số 91 là phi công người Anh, đã đến Đà Nẵng tăng cường lực lượng chống dịch bệnh. Bộ Y tế hiện đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19...
Những ngày qua, cùng với lực lượng xung kích ở tuyến đầu là ngành y tế, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân cả nước cùng hướng về Đà Nẵng, Quảng Nam với sự quan tâm, sẻ chia sâu sắc, đồng thời có những nghĩa cử quý báu, thiết thực và kịp thời với mong mỏi, quyết tâm khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam trong thời gian sớm nhất, không để dịch Covid-19 thành “làn sóng thứ hai” ở nước ta.
Tuy nhiên, với diễn biến còn rất phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới cũng như ở nước ta, chống dịch Covid-19 phải là một cuộc chiến toàn dân và toàn diện với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính cũng như mỗi người dân. Tin rằng với quyết tâm cao độ “chống dịch như chống giặc”, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc những “lỗ rò rỉ” trong bức tường thành chống dịch, chúng ta nhất định sẽ khống chế và dập dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các địa phương để không xảy ra “làn sóng thứ hai” dịch Covid-19.