Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Urban Tower do Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) làm chủ đầu tư (CĐT). Theo thiết kế được phê duyệt, tòa nhà gồm 34 tầng, với 8 tầng cho thuê văn phòng và siêu thị, hơn 200 hộ dân. Tuy nhiên, sau gần 7 năm chuyển về ở, những quyền lợi thiết yếu của hàng trăm hộ dân đang có dấu hiệu bị xâm phạm nghiêm trọng.

Chủ đầu tư chung cư Sông Đà Urban Tower chây ìtrả quyền kiểm soát cho cư dân.

“Trắng đêm” đòi quyền lợi

Sau nhiều năm bị chủ đầu tư trì hoãn, tháng 11/2016, Ban quản trị (BQT) tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Urban Tower mới được thành lập theo theo Quyết định số 10974/QĐ-UBND của UBND quận Hà Đông. Thế nhưng, đến tháng 4/2017, CĐT mới chịu bàn giao con dấu và tài liệu nhưng không bàn giao Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư.

Theo ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng BQT Tòa nhà, 1 năm nay (kể từ khi được thành lập và công nhận), BQT đã nhiều lần yêu cầu SDU công khai, bàn giao quỹ bảo trì và hồ sơ tòa nhà theo quy định nhưng không nhận được phản hồi từ CĐT. Thậm chí, ngay cả khi UBND quận có văn bản 1449 yêu cầu CĐT bàn giao quỹ bảo trì và hồ sơ cho BQT muộn nhất là 30/7, nhưng BQT vẫn chưa nhận được hợp tác từ CĐT.

Chất lượng chung cư Sông Đà Urban Tower đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Theo ông Sảng, hành vi chiếm đoạt phí bảo trì của chủ đầu tư là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và coi thường cư dân. “Sau 07 năm hoạt động, do không có kinh phí bảo trì, tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân luôn sống trong tình trạng bất an, nơm nớp lo sợ cho an nguy của bản thân và gia đình sống trong tòa nhà”, ông Sảng nói.

Ngoài ra, theo ông Sảng, chất lượng xây dựng kém, không đúng và không đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn thiết kế (PCCC, vệ sinh…), không phân biệt rõ và sử dụng trái phép một số diện tích chung của Tòa nhà, không bố trí không gian cho người già và trẻ nhỏ...

Quá bức xúc, cư dân phải "xuống đường" đòi quyền lợi...

Bức xúc trước việc chây ì bàn giao quỹ bảo trì, vận hành tòa nhà... cư dân chung cư Sông Đà Urban Tower đã “xuống đường” đấu tranh phản đối chủ đầu tư. Ngày 5/8, CA quận Hà Đông, CA phường Văn Quán đã họp với BQT và đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU nhằm “hạ hỏa” bức xúc của cư dân. Tuy nhiên, đến ngày 8 và 9/9, cư dân lại tiếp tục đấu tranh bằng hình thức căng băng rôn, tố cáo sai phạm của chủ đầu tư.

"Phớt lờ" chỉ đạo

Bắt nguồn từ việc chây ì trong bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân càng lên cao xoay quanh hoạt động khai thác, vận hành tòa nhà. Cư dân bức xúc về chất lượng dịch vụ quản lý yếu kém của đơn vị vận hành tòa nhà.

Cụ thể, đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU (đây là “con đẻ” của CĐT). Tuy nhiên, “dù không có hợp đồng dịch vụ ký kết với BQT, Công ty này vẫn tự ý thu phí dịch vụ, kinh doanh tại 2 tầng hầm được cho là sở hữu chung của tòa nhà. Công ty dịch vụ còn tung tin đồn sai trái như nói BQT rải truyền đơn,… gây rối và nhiễu loạn tình hình trật tự an ninh tòa nhà”, ông Sảng, Trưởng BQT cho biết.

Cư dân cho rằng, chủ đầu tư đã xem nhẹ quyền lợi của khách hàng nhiều năm nay.

Cùng với vấn đề hồ sơ (hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công), kinh phí bảo trì tòa nhà cũng chưa được chủ đầu tư công khai, minh bạch đầy đủ theo quy định dù đã có chỉ đạo từ cơ quan quản lý lẫn chính quyền địa phương.

Cụ thể, tại văn bản 1449/UBND-QLĐT ngày 10/7/2017, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc đã chỉ đạo, CĐT là SDU khẩn trương bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho BQT tòa nhà, thống nhất với BQT phần sở hữu chung, riêng tại tòa nhà; lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng để xác định sở hữu với các phần diện tịch riêng tại chung cư theo đúng quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD trước ngày 30/7. Đặc biệt, CĐT phải khẩn trương hoàn thiện các hệ thống PCCC tòa nhà theo đúng quy định.

Liên quan tới việc này, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với các bên nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP về giải quyết nội dung phản ánh của BQT tòa nhà, thống nhất một số vấn đề cốt yếu như:

CĐT phải có văn bản xác định diện tích chung riêng tại tòa nhà kèm theo hồ sơ gửi BQT và công khai để cư dân biết. Hoàn thiện các yêu cầu về an toàn PCCC của cơ quan chức năng theo quy định.

Đặc biệt, về quỹ bảo trì 2%, CĐT phải quyết toán quỹ bảo trì 228 căn hộ, công khai để cư dân biết và thực hiện bàn giao cho BQT trước 30/8/2017 cho BQT. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, UBND quận Hà Đông thông báo kết quả gửi về Sở Xây dựng để Sở tổng hợp báo cáo UBND TP cưỡng chế quỹ bảo trì theo quy định.

Đến nay (tháng 9/2017), CĐT vẫn chưa thực hiện chỉ đạo của Sở Xây dựng.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

 

Theo Reatimes.vn