Suốt 8 năm, Hiếu tình nguyện cõng Minh tới lớp và giúp bạn vẽ tiếp những ước mơ. Ảnh: Ngọc Hưng
8 năm làm đôi chân cõng bạn tới lớp
Chúng tôi tìm về gia đình Nguyễn Tất Minh (ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) khi màn sương sớm còn ken đặc. Dưới bếp, bố mẹ Minh đang tất bật chuẩn bị đồ ăn sáng. Bên trong căn phòng buồng hé sáng là hình ảnh cậu học trò nhỏ thó ngồi nghiêm chỉnh, một tay lần dở từng trang sách ôn bài. Ông Nguyễn Tất Mây (bố của Minh) bảo: “Sáng nào cũng vậy, hai vợ chồng dậy sớm lo đồ ăn sáng cho con cái rồi chuẩn bị đi làm. Còn cháu Minh, từ lúc 4h30 sáng cháu đã dậy để củng cố bài vở trước khi lên lớp”.
Nhắc về con, ông Mây không dám nói to sợ Minh nghe thấy rồi tủi thân. Ông buồn bã kể về cái ngày vợ ông trở dạ. Đó là một đêm giông, từ niềm vui mong chờ về một đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh sắp chào đời thì trong phút chốc, tiếng cười bỗng trở thành tiếng khóc khi bác sỹ cho hay: “Cháu bị tật đôi chân và liệt cánh tay phải”. Nghe bác sỹ thông báo, ông lặng điếng người. “Có con, ai cũng mong chúng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Cháu Minh không may bị vậy, vợ chồng tôi lại càng thương yêu cháu hơn, dành mọi tình cảm và trách nhiệm để cháu được hòa nhập cộng đồng, phát triển”, ông Mây nói.
Hoàn cảnh khó khăn, những năm đầu, vợ chồng ông Mây chạy vạy, tha phương tìm cách chữa trị cho con nhưng bất thành. Đến khi Minh đi học mẫu giáo, vợ chồng ông phải thay nhau ẵm bế, đưa con đến lớp. Ông Mây nhớ mãi hình ảnh con mình ngồi ở góc lớp, chăm chăm dõi nhìn bạn bè đùa nghịch mà không thể lần bò tới chơi. Lúc ấy, trái tim ông đau nhói như bị ngàn nhát dao đâm, cứa vào. Thậm chí, vợ chồng ông còn bỏ việc để đến lớp vui đùa với con cho con đỡ tủi...
Đến khi vào lớp 1, những ngày đầu đến lớp với Minh là vô cùng khó khăn. Để có thể duy trì đi học, việc cầm phấn, cầm bút và viết bằng tay trái là cả một khó khăn đối với cậu bé tật nguyền ngồi không vững. Ở nhà, vợ chồng ông Mây thay nhau cầm tay, rèn nắn cho Minh tập viết. Lên lớp, thầy cô tận tình chỉ dạy Minh từng nét chữ. Nhưng để Minh viết được những con chữ đầu tiên thực sự vô cùng khó. Nhiều khi chỉ vì dạy con tập viết mãi không được mà vợ chồng ông Mây cãi lộn, xung khắc. Song ngay sau đó, họ lại ôm nhau khóc vì thấy Minh cứ lầm lũi, loay hoay cầm phấn, cầm bút nguệch ngoạc tập viết.
Tình bạn của hai cậu học trò
Mải chuyện, tiếng còi bíp bíp đầu ngõ cắt ngang dòng ký ức ông Mây đang kể. Bà Lý (mẹ Minh) đã lo bữa sáng cho con tự khi nào. Ông Mây hồ hởi: “Bạn Hiếu qua đón Minh đi học đấy. Quý lắm, chúng nó như tay với chân ấy, làm gì cũng có nhau. Hiếu lúc nào cũng giúp đỡ Minh. Vợ chồng chúng tôi biết ơn cháu, bố mẹ cháu và xem cháu như con cái của mình”.
Ông Mây kể, thương con trai chịu nhiều thiệt thòi, muốn con được đến trường đi học như bao bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng ông thay nhau chở con đến trường. Tuy nhiên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng không đủ sống, năm Minh học lớp 3, bà Lý phải xin làm công nhân cho một công ty cách nhà gần 20km. Sáng bà đi làm sớm, chiều về muộn nên không thể đưa Minh đến trường. Cảm thông cho số phận kém may mắn của bạn, Ngô Minh Hiếu - một người bạn gần nhà Minh đã xin ý kiến của bố mẹ tình nguyện cõng Minh đến trường. Kể từ ngày đó đến nay đã hơn 8 năm, Hiếu trở thành đôi chân tiếp bước cho Minh.
8 năm qua, tiếng còi xe bíp bíp đã quá quen thuộc với gia đình ông Mây, bà Lý. Chiếc xe đạp điện vừa khựng ở sân, Minh tự lúc nào đã xách ba lô, lết thoăn thoắt ra cửa. Hiếu xuống xe, bế và cõng Minh ra ghế sau xe rồi chở bạn đến trường...
Chúng tôi theo chân 2 cậu học trò, suốt dọc đường đi là tiếng cười nói vui vẻ. Chiếc xe chở Minh được nhà trường đặc cách cho đi thẳng qua cổng vào bên trong. Thầy Nguyễn Tài Quyển - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để Hiếu đỡ phải cõng Minh quãng đường xa, nhà trường đã cho phép Hiếu được đi xe vào sát lớp. Sau khi cõng Minh vào đúng vị trí bàn học, Hiếu mới quay ra đưa xe vào gửi”.
Tiết học toán đầu giờ, từ bên ngoài cửa lớp, chúng tôi mới có dịp quan sát Minh kỹ hơn, em thường xuyên giơ tay trả lời. Khi nào phải lên bảng giải bài thì Hiếu lại cõng bạn lên, đứng cả mươi phút đến khi Minh giải xong bài rồi lại cõng bạn về chỗ...
Giờ ra chơi, chúng tôi hỏi Hiếu: “Điều gì khiến em tình nguyện suốt 8 năm gắn bó với bạn, cõng đưa bạn tới lớp?”. Hiếu nhìn Minh rồi cười bảo: “Chả vì điều gì cả, em chỉ thấy thương bạn. Dù Minh bị tật nguyền nhưng lúc nào Minh cũng khát khao được đi học nên em rất khâm phục bạn”.
Chúng tôi hỏi đùa: “Cõng bạn như vậy, Hiếu có mệt không?”. Hiếu nhanh nhảu: “Mệt chứ ạ. Lúc nào em cũng ăn nhiều, tập thể dục thường xuyên để to khỏe cõng Minh dễ dàng hơn. Nay em học lớp 10 nhưng đã 80kg, còn bạn Minh thì còi dí chỉ 30kg”. Trái lại với Hiếu, Minh thì ngậm ngùi: “Em chả dám ăn vì sợ to béo, Hiếu cõng vất vả, thương bạn hơn”. Câu đối thoại của 2 cậu học trò khiến chúng tôi, thầy Quyển cùng các bạn chung lớp đứng quanh ai cũng bật cười.
Cùng bạn vẽ tiếp những ước mơ!
Thầy Nguyễn Đình Tuấn - giáo viên chủ nhiệm của Hiếu và Minh cho biết, Minh và Hiếu là hai học sinh trong đội thi học sinh giỏi môn Sinh học của nhà trường. Nói riêng về Minh, thầy Quyển khen ngợi tinh thần học tập của em. Kỳ thi đầu vào lớp 10, em thuộc đối tượng được tuyển thẳng nhưng em vẫn thi và lọt tốp 5 học sinh có điểm đầu vào cao nhất. Minh mơ ước sau này thi Công nghệ thông tin nên thầy cô cũng sớm định hướng kèm cặp, giúp đỡ em trong các môn học. Còn Hiếu, mơ ước của em là trở thành bác sỹ. Đây là đôi bạn cùng tiến, là tấm gương để các học sinh khác noi theo.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tài Quyển tự hào: “Tôi ví tình bạn giữa Nguyễn Tất Minh và Nguyễn Minh Hiếu lớp 10A6 đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khiến ai cũng cảm động. Hình ảnh Hiếu cõng Minh đến lớp vào mỗi buổi sáng đã quá quen thuộc đối với cá nhân tôi cũng như toàn thể học sinh và giáo viên nhà trường. Điều đặc biệt là dù trời nắng hay mưa, hai em chưa một lần đi học muộn hay nghỉ học không lý do. Tám năm qua, đều đặn mỗi ngày Hiếu lại cõng Minh đến trường, dường như nghị lực và niềm tin đã tiếp thêm cho Minh - người bạn tật nguyền sức mạnh vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong học tập rèn luyện”.
Chúng tôi hỏi Hiếu: “Em tình nguyện cõng bạn hết 3 năm học phổ thông?”. Hiếu khẳng khái: “Dĩ nhiên em sẽ cõng bạn hết 3 năm học”. “Vậy sau này học đại học thì sao?”. Hiếu không suy nghĩ, trả lời luôn: “Cái đó em và Minh đã tính trước. Chúng em sẽ cố gắng thi vào các trường đại học ở gần nhau. Trường hợp không cùng trường thì cũng cùng ở trọ để phụ giúp nhau. Em mong có một tổ chức từ thiện nào đó sau này sẽ ủng hộ Minh một chiếc xe lăn với nhiều tiện dụng để bạn đến lớp đỡ vất vả nhỡ khi không có em. Em thấy Minh rất có ý chí, nghị lực. Em tin Minh sẽ đạt được những gì mình mơ ước. Nếu Minh gặp khó khăn gì, em tình nguyện giúp bạn vượt qua để hoàn thành những ước mơ”.
Ngọc Hưng