Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Lát đá vỉa hè có tuổi thọ 70 năm vừa đi vào sử dụng đã "chết yểu"

Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về chỉnh trang, cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Song đã có rất nhiều lý do đã khiến cho vỉa hè được lát đá có tuổi thọ 70 năm vừa đi vào sử dụng đã chết yểu.

Được biết, thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại các văn bản: số 11309/VP-ĐT ngày 28/11/2017, số 343/BC-UBND ngày 30/11/2017 và số 1388/TB-UBND ngày 04/12/2017, Thanh tra TP đã thành lập Đoàn Thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận TP Hà Nội.

Đá vỉa hè có tuổi thọ 70 năm vừa đi vào sử dụng đã "chết yểu"

Ngày 13/02/2018, Thanh tra TP đã có thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận TP Hà Nội.

Cụ thể, chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50 - 70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực, ví dụ như: quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân...

Sai phạm có thể kể tới trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”; về hướng dẫn chung đối với quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè lát đá và việc bảo trì sau khi lát đá; trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP liên quan đến lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên; sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên; trong việc xác định giá đá lát hè; trong việc đấu thầu, thi công các dự án…

Được biết, có 11/12 quận đã triển khai 71 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có lát đá vỉa hè sử dụng nguồn vốn ngân sách do UBND các quận làm chủ đầu tư. Trong đó, có 67 dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường, phố có lát đá vỉa hè trên 91 tuyến đường, phố: 18 dự án đã thi công xong, 28 dự án đang triển khai thi công và 29 dự án đang trong giai đoạn đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai 38 dự án, nhiều quận đã không thực hiện nghiêm túc, không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong đó, 34 dự án tại 8 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình không tiến hành khảo sát hiện trạng vỉa hè trước khi cải tạo, thiết kế kết cấu vỉa hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo Quyết định của UBND TP.

Việc triển khai ồ ạt dẫn tới việc không kiểm soát tốt quá trình thi công và nghiệm thu

Theo lý giải của các Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến “phong trào” lát đá tự nhiên cho vỉa hè do các quận “hiểu sai” chủ trương của TP dẫn đến việc một số tuyến vỉa hè còn tốt cũng bị phá bỏ để lát đá tự nhiên. Chủ trương ở đây là Quyết định số 4340/QĐ-UBND, ngày 20/8/2014 của UBND TP Hà Nội về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”.

Trong khi đó, ở một số quận mắc nhiều sai phạm trong quá trình triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là việc lát đá tự nhiên cho vỉa hè vẫn đang bộn bề, chưa có phương án khắc phục, thiếu kiên quyết trong việc xử lý các cán bộ tắc trách, để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng khiến dư luận bức xức.

Thế nhưng, trong suốt một thời gian dài không hiểu vì lý do gì mà các đơn vị này vẫn chưa công bố phương án khắc phục, chưa có hình thức kiểm điểm, xử lý đối với các cán bộ liên quan đến sự việc này.

Nhiều dự án lát đá tự nhiên vỉa hè đã "chết yểu" nhưng việc xử lý các đơn vị chịu trách nhiệm còn buông lòng?

Ngoài ra, đối với việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết. Cụ thể: đơn vị chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây (trên thực tế có nhiều loại cống có kích thước ga hàm ếch khác nhau, các cây có đường kính gốc khác nhau); thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ, thể hiện chưa chi tiết, ga hàm ếch, bó bồn cây lấy theo thiết kế điển hình, như: 19 dự án tại 04 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. 

Thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND thành phố: 34 dự án tại 08 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình; tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu, quận Hà Đông, thiết kế thiếu lớp giấy dầu...

Trách nhiệm của những tồn tại trên trước hết thuộc các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự án, đơn vị thẩm tra thiết kế - dự toán, đơn vị thẩm định thiết kế - dự án của cơ quan quản lý nhà nước (trách nhiệm thuộc Phòng Quản lý đô thị quận, đối với các dự án do phòng thẩm định; trách nhiệm thuộc Phòng Quản lý xây dựng thuộc Sở Xây dựng, đối với các dự án do Sở Xây dựng thẩm định) mà trực tiếp là Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng của các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa...

Sai phạm lặp lại, vỉa hè tiếp tục xuống cấp

Sau công bố kết luận thanh tra và xem xét xử lý hàng loạt các cán bộ sai phạm liên quan, Hà Nội đã ban hành quy trình mới về lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Cuối Quý I/2019, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo đó, nhiều tuyến đường tại các quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông... đã được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Theo khảo sát của phóng viên (PV) vào đầu tháng 11/2020, tình trạng lát đá lại có dấu hiệu sai phạm khiến vỉa hè tiếp tục xuống cấp vẫn xuất hiện tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Ghi nhận tại đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (quận Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi ( quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá tự nhiên tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp.

Điển hình như ở đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), dù vỉa hè mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017 nhưng sau 3 năm đã xuất hiện nhiều vị trí đá lát bị bung, vỡ, sụt lún.

Một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Lê Hồng Phong (quận Ba Đình), hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi ( quận Thanh Xuân), Trần Duy Hưng, Trung Kính (quận Cầu Giấy),… vỉa hè lát đá tiếp tục xuất hiện tình trạng xuống cấp. 

Một thực trạng khác tại quận Hai Bà Trưng, khảo sát tại địa chỉ 437 phố Bạch Mai, đơn vị thi công làm việc, trộn vữa theo “cảm quan”, không thông qua bất cứ thiết bị đong đếm để vữa đạt chuẩn chất lượng thi công lát đá vỉa hè. Khu vực thi công không có biển báo hiệu công trường, không có rào chắn để cảnh báo người đi bộ, phương tiện tham gia giao thông.

Tại khu vực phố Huế, phần vỉa hè mới được thi công lát đá đi vào sử dụng nhưng nhiều đoạn thiếu gạch nên "bớt lại" một cách khó hiểu. Theo phản ánh của người dân, đã nửa tháng trôi qua nhưng không thấy đơn vị thi công tới hoàn tất.

Thậm chí còn có chỗ để nguyên một cái hố cây sâu, gây nguy hiểm cho người đi bộ, vô hình chung gián tiếp thành nơi tập kết rác thải tại khu vực khiến người dân phải tự bỏ công sức ra san lấp lại bằng cát và đậy tạm thời bằng vài viên gạch vỡ lên để bảo đảm an toàn cho người đi bộ và vệ sinh môi trường tại đây.

Từ việc thi công cẩu thả của đơn vị trên, người dân đã có nhiều kiến nghị đến các cấp chính quyền. Song có xử lý hay không thì không có hồi đáp và vỉa hè vẫn tồn tại những "viên gạch bị thiếu", tình trạng rác thải xây dựng xuất hiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân địa phương...

Tại quận Hoàng Mai, ở 2 địa chỉ 1289 Giải Phóng và 1295 Giải Phóng đã xuất hiện tình trạng nhiều ô tô lên xuống vỉa hè để xếp, dỡ hàng hóa khiến đá vỉa hè tại khu vực này bị hư hỏng.

Các phương tiện "thoải mái" đậu đỗ trên vỉa hè cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền của đá.

Nhiều điểm tại khu vực quận Hoàn Kiếm cũng trong tình trạng tương tự, một người dân địa phương chia sẻ: "Vừa qua, một số vỉa hè sau khi lát đá thì bị vỡ, bị lún sụt đã gây mất niềm tin của người dân với chủ trương đang được triển khai".

Có thể thấy, việc lát đá vỉa hè những năm gần đây đã được thực hiện trên không ít tuyến phố, con đường trên địa bàn Thủ đô. Nhưng việc quản lý sau lát đá lại chưa được quan tâm, do đó đá cứ lát xong thì hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào lên mà quên hoàn nguyên. Vậy là đá lát vài bữa bị khấp khểnh, cập kênh, vỡ... ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và rồi vỉa hè tại những điểm này lại được thay đá mới gây thiệt hại đáng kể tới ngân sách thành phố.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, TS. Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đóng góp ý kiến: "Làm sai để mà làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Do đó, Hà Nội cần nghiên cứu lại xem vì sao vỉa hè vừa lát lại nhanh chóng xuống cấp, là do chất lượng gạch, đá tự nhiên hay do thi công sai?”.

Vậy sau hàng loạt sai phạm đã được chỉ ra ai đã chịu trách nhiệm? Và vì đâu mà “kịch bản lát đá vỉa hè” vừa sử dụng đã hư hỏng lặp lại trên địa bàn Thủ đô?

Việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên chỉ đem lại hiệu quả bền vững khi các đơn vị chức năng “xắn tay” vào cuộc, kiểm soát chặt công tác đầu tư, thi công, đặc biệt là biện pháp bảo vệ sau khi đưa công trình vào sử dụng.

Cần siết chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát, quy rõ trách nhiệm của từng đơn vị.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để bảo đảm chất lượng của đá lát vỉa hè, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát của chủ đầu tư đối với nhà thầu. Quy định công trình lát hè bằng đá tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước thì tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quản lý, khai thác công trình có trách nhiệm bảo trì công trình; Công trình thuộc sở hữu khác, chủ sở hữu công trình có trách nhiệm bảo trì công trình. Chủ đầu tư công trình lát hè bằng đá tự nhiên có trách nhiệm bảo trì công trình cho đến khi bàn giao cho nhà nước quản lý.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biế: “Lát đá vỉa hè bền vững theo thời gian là bài toán văn hóa, kinh tế và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Về văn hóa ứng xử, việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống mới của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc TP Hà Nội chấm dứt câu chuyện “đào lên lấp xuống” đánh giá tổng thể về việc triển khai lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên có độ bền 70 năm. Thứ nhất cần làm rõ việc sử dụng nguồn ngân sách của chủ đầu tư dự án ở đây là UBND các quận. Thứ 2 xem xét năng lực các nhà thầu thi công có đủ kinh nghiệm và tư vấn đúng theo định hướng của TP hay không? Thứ 3 đơn vị giám sát và kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc việc thanh kiểm tra hay chưa?

Chuyện lát đá vỉa hè không chỉ là chỉnh trang bộ mặt của Thủ đô mà còn là vai trò, trách nhiệm chung của nhân dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến từ người dân, tránh việc kiến nghị kéo dài, báo chí phản ánh nhưng rồi đâu vẫn vào đấy.

Theo An Vi/Đô thị mới