Chuyên gia an toàn thực phẩm chỉ cách lựa chọn bánh Trung thu ngon

Từng loại nguyên liệu làm nên bánh Trung thu đều có nguy cơ mất ATTP

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục đã có Công văn số 2537/ATTP-NĐTT về việc tăng cường bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2019.

Công văn nêu rõ: Tết Trung thu năm 2019 đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại bánh, kẹo, thực phẩm bao gói sẵn, đặc biệt là bánh Trung thu dự kiến sẽ gia tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm an toàn.

"Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng", đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị các thành viên Tổ công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, tiêu thụ bánh Trung thu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý chỉ đạo, tổ chức triển khai, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm, hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để điều tra và xử lý nghiêm.

Về góc độ ATTP của bánh Trung thu, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, bánh Trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc)... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất ATTP: Thực phẩm bị ôi thui, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ...), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng...).

Lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu ra sao cho chuẩn?

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh: Từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, cũng như vệ sinh và sức khỏe của người chế biến sẽ tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. "Trong bánh Trung thu có một gói hút ẩm, nhưng bánh không bảo quản được lâu (tối đa là 2 tháng sau khi xuất xưởng). Vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất, kinh doanh bất chấp các quy định, các công đoạn, các quy trình về an toàn thực phẩm, làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng", ThS.BS Nguyễn Văn Tiến nói.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, về mặt cảm quan, bánh Trung thu ngon, còn đảm bảo vệ sinh ATTP thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không rớt.

Về nhãn mác, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của cơ sở sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản... Đồng thời, hình ảnh, logo nhà sản xuất trên bao bì phải sắc nét, không bị nhòe. Đặc biệt, sản phẩm có ngày sản xuất, có thời hạn sử dụng, tốt nhất là sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng.

Về chất lượng, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Chọn mua các loại bánh bao bì phải còn nguyên vẹn, lớp vỏ giấy bóng kính không bị hỏng hoặc bị xì hơi để tránh không khí lọt vào làm giảm chất lượng bánh. Khách hàng không nên mua các loại bánh có những vết đốm, vết lạ như: Đốm trắng, xanh, vàng, vì đây là những dấu hiệu cho biết bánh bị mốc, hỏng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Đối với bánh nướng phải có vỏ mềm, mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng mùi thơm đặc trưng. Nếu bánh ngon màu sắc của bánh phải là màu vàng hơi đậm và đều. Nhân bánh phải mềm, đầy đủ các vị bùi, béo, thơm, cắt ra nhân không bị rời, không nhớt, không mùi vị lạ. Bánh dẻo có vỏ mềm và dẻo, hoa văn trên mặt bánh có đường nét sắc sảo và rõ ràng. Nhân bánh mềm, dẻo và có hương thơm tự nhiên của hạt sen và đậu xanh.

Bánh mua về phải được bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Cần rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Người dân cũng không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Đặc biệt, khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.


Theo báo Gia đình & xã hội