Không khí trầm lắng bao trùm thị trường
Thị trường bất động sản mới chỉ cuối năm 2021, ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội… Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, song chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II năm nay.
Còn đối với phân khúc giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II năm nay, Bộ Xây dựng cũng cho biết: "Đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại".
Theo nhận định của SSI Research, thị trường bất động sản hạ nhiệt và chủ đầu tư có thể đối mặt với rủi ro khi tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.
Một số chuyên gia khác cho rằng, dù có khó khăn, song việc giảm giá là khó xảy ra bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Việc giảm giá khó xảy ra khi mất cân đối cung - cầu, trong đó cầu cao - cung thấp.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, mặc dù lượng quan tâm đến bất động có dấu hiệu giảm nhiệt tại nhiều tỉnh thành trong quý II so với cùng kỳ nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Theo ước tính của chuyên gia, thị trường đất nền toàn quốc trong quý II/2022 ghi nhận mức độ quan tâm giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý II/2019 - thời kỳ trước dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: “Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao”.
Còn theo ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, giá bất động sản tăng cho đến khi nguồn cung trên thị trường được cải thiện.
Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương khiến giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này dẫn đến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, từ đó có khả năng hình thành nguy cơ bong bóng bất động sản.
Thời điểm bất động sản sôi động trở lại
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cũng cho rằng, muốn chặn đà tăng giá nhà ở phải bắt nguồn từ việc điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì các biện pháp tài chính cũng chỉ tác động đến một vài nhóm nào đó trong quá trình vận hành.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho hay: "Khách hàng cá nhân và những nhà đầu tư họ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này làm cho sức cầu thị trường giảm, bởi vì chúng ta biết rằng nhà đầu tư để tối ưu lợi nhuận họ cần phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận room khó hơn thì rõ ràng nhà đầu tư cân nhắc rất nhiều trong việc mua bất động sản hay không".
Dù vậy, giá bán sơ cấp trong thời gian tới được dự báo sẽ không giảm. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng từ chi phí nguyên vật liệu, chi phí phát triển quỹ đất, lãi vay, nhân công… đều được chủ đầu tư cộng vào giá bán. Ngoài ra, chênh lệch cung cầu vẫn còn rất lớn trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao, nhất là dịp cuối năm làm cho giá bán khó giảm.
Bên cạnh đó, phân khúc thứ cấp - mua đi bán lại có xu hướng bán cắt lỗ từ nhà đầu tư vì áp lực lãi vay, thu nhập bị ảnh hưởng, mức giảm dao động từ 5-10%.
Trong một khảo sát của trang Batdongsan.com.vn về giá bất động sản trong tương lai, đa số vẫn cho rằng giá nhà sẽ tăng. Thậm chí, có khoảng 35% khi tham gia khảo sát còn cho rằng giá bất động sản sẽ tăng mạnh, 50% cho rằng sẽ tăng nhưng nhẹ và chỉ 1% cho rằng sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế là giá bất động sản quá cao đang là rào cản lớn nhất đối với người mua. Trong một cuộc khảo sát khác, có 78% người tham gia cho rằng giá bất động sản quá cao là rào cản lớn nhất, tiếp đến mới là các vấn đề về lãi suất vay mua nhà, lo ngại suy thoái kinh tế, không đủ vay ngân hàng.
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định khi bất động sản đã ở nền giá cao sau một thời gian liên tục tăng giá, thì việc người tiêu dùng dự đoán giá bất động sản sẽ không tăng mạnh nữa là điều dễ hiểu.
Theo ông Long nói: "Tuy nhiên 50% đáp viên vẫn tin bất động sản sẽ tăng giá nhẹ, gần như không có ai cho rằng bất động sản sẽ giữ nguyên hoặc giảm giá trong 1-5 năm tới”.
Bộ Xây dựng cho hay, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm nay đều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.
Có thể nói, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít.
Về tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, theo Bộ Xây dựng, dù có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái song đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam loanh quanh 40%, nhưng các nước phát triển 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70-80% dân số. Việt Nam đến năm 2050 mà phát triển lên 60-70% thì ta có khoảng 60-70 chục triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.
Ông Hà nhấn mạnh: “Ta cũng có nhu cầu phát triển bất động sản công nghiệp - phân khúc được đánh giá là điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong dịch Covid-19. Thị trường bất động sản du lịch thì vừa hết dịch nhưng đã "vỡ trận" do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại. Ngoài ra, chúng ta vẫn thiếu nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân.
Tôi nghĩ rằng thị trường bất động sản trong ngắn, trung và dài hạn đều có tương lai tốt để phát triển, dù còn khó khăn. Các khó khăn của doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, chúng ta công khai thông tin, nhiều hội thảo tọa đàm trao đổi để thị trường phát triển lành mạnh, chúng tôi tin tưởng rằng khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, đáp ứng được nhu cầu phát triển lành mạnh của thị trường”.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-gia-tiet-lo-thoi-diem-bat-dong-san-giam-gia-70332.html