Hoạt động của các công ty tài chính (CTTC) sẽ được tăng cường quản lý trong thời gian tới. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đây cũng là cơ hội để lĩnh vực này đi vào bài bản, hoàn thiện hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng, cùng ngành Ngân hàng hạn chế “tín dụng đen”.
Sẽ điều chỉnh quy định cho vay của CTTC
Một trong 5 giải pháp trọng tâm được lãnh đạo NHNN quán triệt tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen” diễn ra ở Gia Lai mới đây là NHNN sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các CTTC nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… Như vậy có thể nói rằng, tới đây, các CTTC sẽ được trao cơ hội để khẳng định mình, cùng ngành Ngân hàng triển khai cho vay góp phần vào đẩy lùi “tín dụng đen” với một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh hơn.
Thực tế, thì cứ qua mỗi lần được điều chỉnh bổ sung chính sách, cơ cấu lại hoạt động đều với mong muốn dần hoàn thiện mô hình hoạt động của hệ thống CTTC. Có thể nhớ lại rằng, trước đây các CTTC chủ yếu được các cổ đông sáng lập là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mức độ hoạt động hạn chế nhưng sau giai đoạn ngành Ngân hàng triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2016, các CTTC đã được sắp xếp lại thông qua các thương vụ hợp nhất, sáp nhập và hướng tới mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng thời điểm đó cho rằng, với việc sắp xếp lại các CTTC thì ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng, việc sáp nhập còn giúp tái cấu trúc lại CTTC và cũng như giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn - một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc các CTTC mang lại trong việc gánh đỡ một phần cho vay tiêu dùng cho các ngân hàng thương mại thì vẫn còn những tồn tại nhất định như cách tính lãi suất, phương thức thu hồi nợ…, do đó việc chấn chỉnh hoạt động của tài chính tiêu dùng và tạo hành lang pháp lý (mà ở đây là sửa Thông tư 43) giúp hoạt động của CTTC minh bạch, hiệu quả hơn cũng rất phù hợp.
Cơ hội xen lẫn thách thức
Việc nằm trong kế hoạch điều chỉnh cơ chế với lĩnh vực hoạt động của CTTC trong một hội nghị quan trọng về các giải pháp để mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế “tín dụng đen” cho thấy cơ hội nhưng cũng đầy thách thức với các CTTC.
Lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Theo số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR), chỉ số cho vay tiêu dùng của Việt Nam luôn thấp hơn Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong suốt hai năm qua, dù các chỉ số về Thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý lại cao nhất.
Về cơ cấu tín dụng trong nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, tín dụng tiêu dùng ở Trung Quốc chiếm 21% trong tổng tín dụng, của ASEAN 5 là 35%..., còn ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 18% trong tổng dư nợ (bao gồm cả cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở). Như vậy các CTTC cũng như ngân hàng sẽ có cơ hội khai thác lĩnh vực còn đầy tiềm năng này. Ưu điểm nữa là hiện nay các CTTC đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ nên có thể xử lý được khoản vay nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu vay vốn của người dân.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE Credit cho biết, hiện nay công ty hiện đại hóa hệ thống bằng cách ứng dụng Big Data, sử dụng các công nghệ fintech và vận dụng Trí tuệ nhân tuệ (AI) để định vị khách hàng, tinh giản các quy trình, tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu chi phí vận hành ở mức thấp nhất. Từ các yếu tố đó giúp doanh nghiệp có thể mang đến cho các khách hàng những gói sản phẩm dịch vụ với chất lượng tốt hơn và trải nghiệm mới trong việc sử dụng dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, các CTTC thường cho vay nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu vay của một số lượng lớn khách hàng, khối lượng công việc cần phải xử lý cực kỳ nhiều. Do đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống vận hành sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng đáp ứng và mang đến các trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đối với các CTTC là phải đảm bảo một mức lãi suất cho vay phù hợp, điều chỉnh phạm vi hoạt động phù hợp, thiết kế sản phẩm đa dạng… Các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, những vấn đề tồn tại vừa nêu chắc chắn sẽ được điều chỉnh bởi khung pháp lý, giúp CTTC hoạt động bài bản hơn cùng các ngân hàng hạn chế “tín dụng đen”.