Do vậy, dạy học từ xa (qua internet, truyền hình) là hình thức đang được các địa phương tích cực áp dụng. Tuy nhiên, để triển khai có chất lượng, tiến tới có thể xác nhận kết quả học tập cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.

Em Minh Nhật - học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) học trên truyền hình. Ảnh: Phạm Hùng

Đáp ứng sự mong chờ của học sinh, phụ huynh

Đến thời điểm này, học sinh các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nghỉ học gần 7 tuần để phòng, chống dịch Covid-19. Hầu hết trường học ở các quận, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông... đều tổ chức dạy học qua internet, kết hợp với việc gửi bài tập qua hệ thống mạng xã hội. Những trường học ở địa bàn khó khăn hơn, học sinh ít có điều kiện tiếp cận với việc ứng dụng công nghệ thông tin, như các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa... lại tăng cường việc trao đổi qua tin nhắn sổ liên lạc điện tử với phụ huynh để giao bài tập cho học sinh.

Với những học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp hoặc chỉ còn hơn 1 năm học nữa sẽ thi cuối cấp, bao gồm học sinh lớp 8, 9, 11 và 12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai hai hình thức học, qua truyền hình trên kênh HTV1 (Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) và qua hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study tại địa chỉ http://study.hanoi.edu.vn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những hình thức nói trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đáp ứng sự mong chờ của cả học sinh và phụ huynh. Ông Trần Thành Nam, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở An Phú (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: "Do hạn chế về điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, ban đầu chúng tôi rất lo con em mình bị thiệt thòi. Tuy nhiên, từ ngày 9-3, các con đã được tiếp cận các bài giảng qua truyền hình. Các con còn được các thầy, cô giáo của trường điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà hướng dẫn, giao bài tập... Vì vậy, chúng tôi đã phần nào cảm thấy yên lòng hơn".

Ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Từ ngày 15-2 đến nay, hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study đã ghi nhận hơn 162.000 học sinh lớp 8, 9 tham gia với hơn 2,7 triệu lượt học, chiếm gần 67% tổng số học sinh lớp 8, 9 của toàn thành phố. Con số này ngày càng tăng lên, cho thấy tín hiệu vui, thể hiện thái độ tích cực của học sinh với việc học tập tại nhà.

Không để học sinh bị thiệt thòi

Bên cạnh những mặt tích cực, hình thức dạy học từ xa cũng đặt ra những vấn đề đáng lưu tâm. Trong đó, cần sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng cũng như chính học sinh để học sinh không bị thiệt thòi đồng thời hình thức dạy học trên đạt hiệu quả cao nhất. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho rằng, qua khảo sát sơ bộ, tỷ lệ học sinh trung học cơ sở của huyện Ba Vì có phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin để học qua internet chiếm khoảng 50% và ở cấp tiểu học còn thấp hơn nhiều. Để khắc phục tình trạng này, ngoài giám sát việc học qua internet, truyền hình, phòng đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm chuyển phiếu bài tập trực tiếp đến từng học sinh, nhất là với các em cuối cấp, bảo đảm 100% học sinh được hỗ trợ học tập tại nhà.

"Về việc kiểm tra, công nhận kết quả học tập từ xa cần cân nhắc kỹ để vừa không mất đi động lực học tập của học sinh, vừa tránh cho các em ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khỏi bị thiệt thòi”, ông Phùng Ngọc Oanh đề nghị.

Còn em Lại Minh Ngọc, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết: So với cách học truyền thống, việc học qua truyền hình hoặc qua internet có tính tương tác ít hơn, đòi hỏi người học phải có ý thức tự giác để đạt hiệu quả cao. Song, không phải bạn nào cũng ý thức được việc này, nhất là những bạn chưa phải thi cuối cấp năm nay.

Từ thực tế của đơn vị có tỷ lệ học trực tuyến qua hệ thống Hanoi Study đạt 100%, thầy Nguyễn Công Đức, giáo viên chủ nhiệm lớp 8B, Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) chia sẻ: Để học sinh học tập qua internet hoặc qua truyền hình hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của giáo viên, cần có sự tham gia quản lý, giám sát của phụ huynh học sinh. Mục tiêu quan trọng nhất trong giai đoạn này là duy trì được nền nếp, ý thức tự giác học tập cho học sinh...

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Hiện chưa có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng dạy học từ xa thay thế cho dạy trực tiếp ở trường. Song, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị có thể vận dụng để triển khai phù hợp. Sau khi học sinh đi học trở lại, nhà trường có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học tập từ xa cho học sinh, nếu chưa đạt yêu cầu thì cần tổ chức ôn tập, tránh để các em bị thiệt thòi và bảo đảm công bằng cho mọi học sinh.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lần thứ 2 kế hoạch thời gian năm học, nhằm bảo đảm đủ quỹ thời gian cho các địa phương áp dụng trong mọi tình huống và mục tiêu quan trọng nhất là mọi học sinh đều được dạy đủ, đúng nội dung chương trình để có kiến thức lên lớp, đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi và tuyển sinh”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.

Theo Hà Nội Mới