Rao đất quận 2, dẫn xuống Đồng Nai
Phản ánh đến Reatimes, bà T.T.N (quê Nam Định) đang cư ngụ tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, vào khoảng 5/2020 vì có nhu cầu mua đất ở TP.HCM nên bà N. đã lên mạng Internet tìm hiểu và đọc được một bài quảng cáo nền đất ở quận 2.
Liên hệ đến số điện thoại theo quảng cáo, bà N. được một môi giới tên M. hẹn ngày dẫn đi xem đất. Ít ngày sau, môi giới này đón bà N. đi trên 1 chuyến xe 45 chỗ cùng khá nhiều người đi cùng. Đáng nói, chuyến xe này không chở bà N. đến quận 2 như đã hứa mà chở thẳng xuống huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Khi xuống tới nơi, bà N. hoang mang vì bản thân tìm mua đất quận 2 nhưng lại bị dẫn đến tận Đồng Nai. Bà N. không đồng ý mua nhưng lại liên tục bị môi giới xúm vào năn nỉ đóng tiền giữ chỗ.
“Môi giới hứa rằng cứ đóng tiền giữ chỗ, số tiền 50 triệu đó nếu không mua nữa sẽ được hoàn lại. Lúc đó, tôi cũng chưa thật sự muốn mua nhưng vì họ cứ xúm vào khuyên nhủ và hứa sẽ bán được ngay trong vòng 1 tuần nên tôi đánh liều chuyển khoản 50 triệu đồng cho công ty. Tuy nhiên, sau đó tôi không muốn mua nữa và nhiều lần đến Công ty V yêu cầu trả lại tiền thì họ liên tục hẹn tới hẹn lui rồi im bặt”, bà N. kể.
Trong lúc chưa đòi được khoản tiền giữ chỗ nói trên, khoảng tháng 10/2020, bà N. tiếp tục nhìn thấy một bài quảng cáo về đất nền giá rẻ ở quận 9. Liên hệ đến số điện thoại theo hướng dẫn, bà N. lại tiếp tục được môi giới hứa dẫn đi xem đất. Qua tìm hiểu, bà N. phát hiện đây tiếp tục là các nhân viên của Công ty V rao bán theo kiểu “treo dầu dê, bán thịt chó” nên từ chối đi xem đất. Tuy nhiên, môi giới lại tiếp tục hứa hẹn “nếu không dắt bà N. đi đến quận 9 như đã hứa thì sẽ bù cho bà 1 chỉ vàng”.
Tin lời người này, bà N. tiếp tục lên xe đi thì lần này được môi giới dắt xuống một khu đất thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Môi giới tên Đ. khẳng định khu đất này nằm ngay trước cửa sân bay Long Thành và rao bán nền đất 120m2 với giá 1,9 tỷ đồng. Họ đưa cho bà N. xem một loạt hình ảnh quảng cáo mơ hồ về dự án.
Ban đầu, bà N. lưỡng lự không mua nhưng sau đó vì những lời nói có cánh của môi giới như hứa hẹn đây là khu đẹp nhất ở Đồng Nai, với mức giá bán rẻ chưa từng có. Họ cũng sẽ bán nhanh trong 1 tuần để thu về khoản tiền chênh lệch không nhỏ. Tin tưởng, bà N. tiếp tục ký giấy đặt cọc 5 triệu đồng giữ chỗ. Khi xe về đến gần TP.HCM, bà N. lại tiếp tục chuyển khoản cọc thêm 20 triệu đồng.
Đáng nói, lúc bà N. kể về việc trước đó cũng đã cọc 50 triệu đồng ở Công ty V, các nhân viên môi giới này nhận ra khu đất trên do công ty bán, nên hứa hẹn sẽ gộp khoản tiền 50 triệu đồng nói trên vào khoản tiền bà N. vừa cọc (tổng cộng 75 triệu đồng) để mua nền đất thứ 2 tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
“Lúc đó tôi không thể hiểu nổi vì sao lại nghe theo lời môi giới như vậy. Bốn môi giới cùng xúm lại khuyên tôi cứ đóng tiền giữ chỗ trước rồi mọi chuyện sẽ sắp xếp sau. Khi biết mục đích của tôi muốn lấy lại 50 triệu đồng đã đóng hồi tháng 5, các môi giới này bày cách cho tôi cứ đặt mua nền ở huyện Thống Nhất giá 1,9 tỷ đồng, thanh toán đợt 1 với 680 triệu. Họ hứa hẹn chỉ sau 3 - 4 ngày là có thể bán nhanh cho người khác để trả lại 50 triệu đồng cho tôi mà không phải mất công đi đòi.
Thấy tôi lưỡng lự vì không đủ tiền đóng, môi giới còn nói cậu ta là em của Giám đốc Công ty nên xin cho tôi giảm giá 200 triệu/nền đất (tức 1,7 tỷ đồng), xin thêm chiết khấu tặng 6 chỉ vàng là 30 triệu đồng, hỗ trợ thêm gói cho thuê là 60 triệu đồng. Tổng cộng sau khi đã trừ 75 triệu tôi đã cọc thì tôi chỉ còn phải đóng 515 triệu đồng (tổng 590) để thanh toán đợt 1. Họ dùng rất nhiều lời có cánh, hứa rằng chỉ cần ủy quyền để công ty bán được cho người khác thì tôi đã lời 200 triệu tiền ưu đãi từ giá, cộng thêm 90 triệu chiết khấu thêm và được hoàn 50 triệu đồng cọc ở lần mua trước đó”, bà N. cho biết.
Chiêu thức lừa khách hàng vào tròng của môi giới
Với mục đích lấy lại 50 triệu đồng đã cọc trước đó, bà N. đã đồng ý với các yêu cầu của môi giới. Đáng nói, sau khi dụ dỗ được bà N. ký hợp đồng nguyên tắc và chuyển khoản thành công 515 triệu đồng, các môi giới tiếp tục yêu cầu bà N. ký một bản “hợp đồng ủy quyền” cho Công ty để họ có thể chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3. Tuy nhiên, trên tất cả các hợp đồng ngay thời điểm nói trên đều có chỉ một mình bà N. ký tên, không có đại diện phía Công ty V.
Mặt khác, bà N. còn phát hiện các môi giới của V bất nhất khi giới thiệu với khách hàng. Khi bà N. hỏi một môi giới khác ngay tại văn phòng thì được hướng dẫn chỉ cần đóng 250 triệu là có thể “lướt sóng” nhanh.
Nhận thấy việc mua bán nhập nhằng, từ việc môi giới nhận là em giám đốc để xin giảm giá đất, hay việc xin thêm chiết khấu cho khớp với khoản tiền khách hàng đang có, cho đến việc mỗi nhân viên tư vấn một kiểu khác nhau khiến bà N. bắt đầu hoang mang.
Một ngày sau đó, lo lắng mất tiền, bà N. đã liên hệ lại phía Công ty V để xin hủy hợp đồng nguyên tắc, lấy lại khoản tiền đã đóng nhưng đều không được hỗ trợ. Sau đó, bà N. nhiều lần đến công ty yêu cầu làm việc thì được phía V cung cấp bản “hợp đồng nguyên tắc” có con dấu do Tổng giám đốc Công ty ký tên. Trên “hợp đồng nguyên tắc” thể hiện nội dung bà N. đã thanh toán khoản tiền đợt 1, và nội dung sau đó yêu cầu bà N. tiếp tục thanh toán các đợt tiếp theo trong thời hạn 1 - 7 tháng.
Đến hạn thanh toán đợt 2 nhưng bà N. vẫn chưa đòi được khoản tiền đã đóng, phía Công ty V bất ngờ gửi thông báo yêu cầu bà N. đóng thêm đợt 2 là 20% (tức 340 triệu đồng) hoặc sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và không hoàn lại toàn bộ số tiền đã đóng đợt 1. Lúc này, bà N. tiếp tục gọi môi giới đã hứa “lướt sóng” giúp thì môi giới này tiếp tục khuyên bà N. đóng thêm 340 triệu để kéo dài thời hạn tìm khách mua.
“Lúc đó tôi cũng đã hết tiền không còn để đóng, mặt khác sợ đóng thêm thì lại càng mất nhiều hơn nên tôi không đóng nữa. Sau đó thì công ty liên tục gửi các thông báo dọa chấm dứt hợp đồng. Rõ ràng, đây là chiêu thức lừa khách hàng vào tròng của môi giới vì họ biết rõ tôi không có tiền. Trong tài khoản tôi chỉ còn đúng 600 triệu con cái cho sau khi bán nhà, mục đích muốn tìm một mảnh đất ở TP.HCM nhưng do không hiểu biết nên bị lừa xuống tận Đồng Nai, rồi lại tiếp tục bị lừa mua nền lướt sóng và cuối cùng đứng trước nguy cơ mất hết”, bà N. bức xúc.
Điều đáng nói, bà N. còn phản ánh rằng sau nhiều lần đến công ty đòi tiền thì phía công ty V đã hứa giải quyết nhưng yêu cầu bà N. phải đền 30% giá trị hợp đồng (1,7 tỷ). Nghĩa là bà N. đóng tổng cộng 590 triệu thì chỉ được hoàn lại 80 triệu đồng. Hoặc phương án 2 bà N. bị phạt 20% giá trị hợp đồng (hơn 400 triệu đồng) nhưng với điều kiện bà N. phải mua 1 lô đất khác do công ty bán tại vị trí khác. Không đồng tình với các phương án trên, bà N. đã gửi đơn khởi kiện Công ty V lên Toà án Nhân dân quận Phú Nhuận. Đến ngày 26/3/2021, Tòa án quận Phú Nhuận thông báo đã nhận thụ lý vụ án của bà N. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau nhiều lần 2 bên viết văn bản phản tố thì vụ việc vẫn chưa có hồi kết.
Đáng chú ý, việc quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” xảy ra rất phổ biến trên thị trường bất động sản thời gian qua. Thông thường, chiêu thức của các môi giới này là rao bán đất nền giá rẻ tại các khu vực như quận 2, thành phố Thủ Đức, quận 12… nhưng sau đó lại đưa khách hàng lên xe và dẫn đi Long An, Đồng Nai, hoặc kể cả Tây Ninh… Thậm chí, nhiều khu đất chưa được tách thửa xong nhưng các công ty này vẫn rao bán cho khách hàng và thu tiền như một dự án hình thành trong tương lai.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, khách hàng cần hết sức tỉnh táo khi tìm hiểu các quảng cáo nhà đất trên mạng Internet. Đối với các bài quảng cáo giá rẻ, nên tìm hiểu từ nhiều nguồn để nắm được giá đất chính xác của khu vực đó, yêu cầu môi giới gửi sổ đất rồi mới đi xem. Nếu giá đất quá rẻ so với thị trường, hoặc môi giới lập lờ không gửi sổ đất thì tuyệt đối không nhận lời đi xem đất.
Khách hàng cũng cần lựa chọn công ty môi giới uy tín trên thị trường, bằng cách tìm đọc các bài viết về các thông tin lừa đảo trên các trang báo chính để tránh những doanh nghiệp có dấu hiệu mập mờ trong phương thức hoạt động.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cu-lua-ngoan-muc-cua-moi-gioi-khien-cu-ba-mat-het-tien-cua-20201231000002480.html