Dọc phố Kim Ngưu và Thanh Nhàn, đây là những tuyến phố tập trung nhiều vật liệu xây dựng của TP.Hà Nội, những cửa hàng tấp nập người ra vào chọn lựa và mua bán. Ai cũng có một tâm lý chung là hoàn thành ngôi nhà của mình trước tết Nguyên đán, hơn nữa ai cũng muốn tránh xây sửa nhà đúng dịp giáp tết vì giá vật liệu xây dựng sẽ tăng cao.
Ông Sơn trên phố Huế (Hà Nội) cho biết: “Tôi sửa chữa cho ngôi nhà của mình khang trang hơn để chuẩn bị đón tết Nguyên đán, nhưng do sợ giáp tết giá vật liệu xây dựng và công thợ tăng, nên ngay từ tháng 9 tôi đã bắt đầu sửa chữa, cuối tháng 10 nhà của tôi đã xong, không dính vào tháng cận tết nên giá vật liệu xây dựng tôi mua vẫn như đầu năm chưa thấy có dấu hiệu tăng”.
Anh Thanh trên phố Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho biết, vì để đến tháng 11 mới bắt đầu khởi công sửa chữa nhà nên giá vật liệu có tăng nhẹ, như cát, si măng dù tăng không nhiều nhưng cũng khiến công trình của anh Thanh bị phụ trội lên cả chục triệu so với dự kiến cho kinh phí lúc ban đầu.
Anh Thanh chia sẻ: “Những tháng này luôn là những tháng giá vật liệu tăng cao do cuối năm nhu cầu sửa chữa, xây dựng của người dân tăng, nhưng giá vật liệu vẫn giữ được bình ổn, có tăng nhưng không tăng nhiều, công trình của tôi chỉ mất 10 triệu tiền tăng vật liệu so với dự kiến nhưng cũng chấp nhận được, vì cuối năm”.
Chị Thanh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: “Thường thì những tháng cuối năm giá vật liệu xây dựng sẽ tăng hơn so với những tháng trước, nhưng nhiều mặt hàng do cạnh tranh của nhiều hãng khác nhau nên giá cũng không tăng nhiều. Như giá cát xây dựng trong thời gian vừa qua tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Hiện tại, giá mặt hàng này dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/m3, vẫn cao gấp 3 - 4 lần so với đầu năm nhưng đã giảm so với lúc cao điểm là 600.000 đồng/m3”.
Trên thị trường, nhiều mặt hàng không tăng nhiều so với đầu năm như gạch lát sàn nhà, với vô vàn chủng loại từ gạch cao cấp được nhập khẩu từ các nước châu Âu cho đến Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam. Hàng Trung Quốc vẫn rẻ nhất so với thị trường chỉ từ 160.000 tới 180.000 đồng/m2, trong khi hàng nhập khẩu Tây Ban Nha là 600.000 – 700.000 đồng/m2, hàng Malaysia là 400.000đồng/m2, hàng Việt Nam từ 250.000-300.000 đồng/m2.
Nhiều khách hàng bình dân vẫn chọn hàng Trung Quốc vì mẫu mã đẹp lại hợp túi tiền, nhưng nhiều khách hàng lại chọn hàng Việt Nam vì chất lượng. Hàng nhập khẩu từ Châu Âu được các khách hàng xây dựng biệt thự hoặc sửa chữa các căn hộ chung cư cao cấp lựa chọn bởi sự sang trọng về mẫu mã lẫn chất lượng lựa chọn.
Còn đối với mặt hàng thép, sau khi đã tăng giá cao ngất thì được các chuyên gia đánh giá từ nay đến cuối năm, giá nguyên vật liệu thế giới sẽ khó tăng mạnh. Do đó, giá thép xây dựng trong nước dự báo cũng sẽ không tăng nhiều.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mặc dù có sự biến động mạnh của giá thép và cát, nhưng tổng quan thị trường vật liệu xây dựng từ đầu năm đến hết quý III/2017 đều khá bình ổn. Chẳng hạn như sản lượng thép xây dựng tiêu thụ tăng hơn 14% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất gạch ốp lát cũng đạt 416 triệu m2, tăng 4% so cùng kỳ 2016 và sứ vệ sinh sản xuất đạt 9,9 triệu sản phẩm, cũng tăng 4%.