Theo đó, trụ sở của FUV nằm tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với diện tích đất là 15 hecta.
Đại học Fulbright Việt Nam là cơ sở giáo dục có 100% vốn đầu tư nước ngoài, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động không vì lợi nhuận do Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) đầu tư.
Tổng vốn đầu tư của FUV dự kiến khoảng 70 triệu USD, gồm 5,3 triệu USD trong giai đoạn 1; 20 triệu USD (tiền từ Quốc hội Mỹ) trong giai đoạn 2 và 44,7 triệu USD của giai đoạn 3.
Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam là bà Đàm Bích Thủy. Bà Thủy tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, từng nhận học bổng Fulbright và học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Wharton danh tiếng (thuộc Đại học Pennsylvania).
Quá trình hình thành Đại học Fulbright
Ngày 16/5/2016, trường Đại học Fulbright Việt Nam đã chính thức nhận quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ theo quyết định số 819/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký.
Trường Đại học Fulbright Việt Nam có tên tiếng Anh là Fulbright University Vietnam (tên viết tắt là FUV).
Phải mất tới 3 năm để FUV được thành lập và đi vào hoạt động.
Cơ sở hình thành nên FUV đầu tiên là Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama vào tháng 7/2013.
Sau đó, đến tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng FUV theo quyết định số 821/TTg-KGVX.
Đến tháng 7/2015 tại New York, bên lề chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, FUV đã nhận giấy chứng nhận đầu tư của TP Hồ Chí Minh để xây dựng trường tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Khi nào Fulbright đi vào hoạt động?
Theo kế hoạch, vào tháng 9/2016 tới đây, FUV sẽ đi vào hoạt động và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên. Dự kiến, trường sẽ tuyển 80 - 100 sinh viên cho chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách công.
Theo lộ trình phát triển, tới năm 2018, trường Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc FUV sẽ chính thức tuyển sinh hệ đại học. Dự kiến khi đạt quy mô lớn nhất, mỗi năm, Fulbright sẽ có khoảng 6.000 - 10.000 sinh viên.
Fulbright đào tạo những gì?
Theo công bố của dự án Đại học Fulbright Việt Nam, 5 năm đầu, trường tập trung xây dựng 3 cơ sở đào tạo tích hợp.
Trường Chính sách công và quản lý Fulbright sẽ đào tạo chương trình sau đại học trong lĩnh vực chính sách công, luật kinh doanh quốc tế, tài chính và quản trị kinh doanh, nghiên cứu và đối thoại chính sách.
Trường Công nghệ và khoa học ứng dụng Fulbright cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ khí, toán ứng dụng và y khoa.
Fulbright College sẽ đào tạo cử nhân trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Ngoài ra, FUV cũng dự định đào tạo các ngành khoa học liên ngành, trong đó có khoa học môi trường, biến đổi khí hậu.