Bên cạnh những mặt tích cực mang lại từ mạng xã hội, việc đăng tải, chia sẻ những thông tin sai, không đúng sự thật đang là một vấn đề gây nhiều nhức nhối cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính những người dùng mạng xã hội.
Vậy đâu là lý do trên mạng xã hội lại có nhiều thông tin sai như vậy?
Theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng luật sư Long Tâm): “Có thể nói những năm qua, việc xuất hiện không ít thông tin giả, không đúng sự thật trên mạng xã hội có nguyên nhân từ việc quá dễ dàng trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin, mỗi người nếu muốn đều có thể sở hữu một trang thông tin cá nhân riêng trên Facebook và họ có thể đăng, chia sẻ bất cứ thông tin gì chỉ với vài cú click chuột.
Việc đăng tin của mỗi người có thể xuất phát từ những lý do khác nhau, có người vì mục đích câu view, câu like, có người vì vô tình không biết là thông tin sai, tin giả hoặc cho rằng thông tin hữu ích nên chia sẻ…Tôi nghĩ có nhiều người chưa ý thức được hậu quả cũng như trách nhiệm pháp lý nên dễ dàng đăng, chia sẻ thông tin.”
Vậy những người chia sẻ một thông tin không đúng sự thật trên mạng nhưng bản thân họ không biết đó là tin giả và chia sẻ với mục đích tốt là cảnh báo và thông tin tới mọi người thì liệu hành vi đấy có vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý gì không?
Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật SH Legal Việt Nam: “Nếu hành vi của người đó chỉ là chia sẻ lại thông tin trên mạng và không với mục đích thu lợi từ việc chia sẻ đó hay chủ đích gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng thì cũng khó có thể xử lý.
Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá về an ninh mạng năm 2017 của BKAV: 63% người dùng ở Việt Nam thường xuyên đọc tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó có 40% là nạn nhân hằng ngày. Rất có thể người chia sẻ thông tin đó cũng là nạn nhân của tin giả, chỉ vì muốn tốt cho cộng đồng mà chia sẻ thông tin chưa chính xác.
Ông Hùng đưa ra lời khuyên, người dùng mạng xã hội không nên đăng tải, chia sẻ bất cứ thông tin nào nếu không phải từ những nguồn tin đáng tin cậy như báo chính thống hoặc từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tránh gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và môi trường an ninh mạng.
Trả lời cho câu hỏi, việc chủ đích đăng tải, chia sẻ thông tin sai lên mạng xã hội nhằm mục đích câu like, câu view hoặc thu lợi từ việc đăng tải, chia sẻ những thông tin sai đó sẽ bị xử lý thế nào,Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho biết: “Tùy từng trường hợp, căn cứ vào mức độ vi phạm, mục đích của hành vi và hậu quả từ hành vi đó, người thực hiện việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, người có hành vi vi phạm nêu trên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (khoản 3, Điều 64) hoặc bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3, Điều 66).
Nghiêm trọng hơn, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 226 BLHS 2015), hoặc một số tội danh khác được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015”.
Mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục là một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam. Tuy nhiên, để sử dụng mạng xã hội một cách tích cực và an toàn, mỗi người cần trang bị kiến thức, biết chắt lọc thông tin và đặc biệt là việc đăng tải, chia sẻ thông tin phải rất cẩn trọng để tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra cho chính bản thân mình.
Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Đạt