Gành Đá Đĩa là một thắng cảnh thiên tạo hiếm thấy với diện tích khoảng 2km2. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác, giống như những cái đĩa xếp chồng lên nhau nên mới có tên gọi là gành Đá Đĩa.

Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở gành Đá Đĩa là loại đá bazan được hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa cách nay hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa chảy tràn ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực.

Danh thắng Gành Đá Đĩa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Danh thắng Gành Đá Đĩa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Chính hiện tượng ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nửa chìm dưới nước nửa nổi trên bờ và tạo nên một gành Đá Đĩa có một không hai của Việt Nam và là một trong số ít gành đá có cấu tạo như vậy trên thế giới.

Ngoài danh thắng gành Đá Đĩa còn có 6 di tích quốc gia đặc biệt khác được xếp hạng theo Quyết định 2280 gồm:

- Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế,

- An toàn khu (ATK) II Hiệp Hòa (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang),

- Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), Đền An Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên),

 - Đình Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội),

- Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An),

- Gành Đá Dĩa (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, chủ tịch UBND các tỉnh, TP thực hiện quản lý nhà nước đối với các di tích quốc gia đặc biệt trên theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Hiện nay, Việt Nam có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/danh-thang-ganh-da-dia-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-post111970.html