Làng Salluit chỉ có khoảng 1.300 cư dân, nhiệt độ xuống thấp tới -25°C vào mùa Đông và cách duy nhất để tiếp cận ngôi làng này là bằng máy bay. Sự cô độc, thiếu thốn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến tỉ lệ người nghiện rượu, sử dụng ma tuý và tự tử đặc biệt cao so với những khu vực khác của đất nước Canada.

Các giáo viên khi tới dạy học tại làng Salluit thường không bám trụ được lâu quá 6 tháng. Rất nhiều thầy giáo, cô giáo đã bỏ cuộc do không thể chịu đựng được điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng quá khắc nghiệt tại khu vực này. Nhưng cô MacDonnell đã bám trụ ở đây tới 7 năm ròng. Và cô đã được trao tặng giải thưởng Nhà giáo Toàn cầu trị giá 1 triệu USD không chỉ nhờ vào sự kiên trì, bền bỉ này.

Hội đồng thẩm định giải thưởng nhận định, điều khiến cô giáo MacDonnell vượt lên 20 nghìn ứng cử viên trên khắp thế giới để trở thành Nhà giáo Toàn cầu của năm, chính là sự tận tuỵ và những nỗ lực vượt ra khỏi phạm vi lớp học, mang đến những đổi thay tích cực cho cả cộng đồng xung quanh lớp học của mình.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Ngày đầu tiên đặt chân tới Salluit vào năm 2010, tất cả những gì chào đón cô MacDonnell là một lớp học ngổn ngang bàn ghế gãy và những bức tường đầy vết vẽ bậy. Không có sách giáo khoa. Những học sinh thờ ơ và chán nản, không thể tập trung vào những bài học toán học hay lịch sử khi phải sống trong một cộng đồng đói nghèo và đầy rẫy tệ nạn.

Với kinh nghiệm 5 năm thực hiện công tác thanh thiếu niên ở châu Phi, cô McDonnell nhanh chóng nhận ra rằng một giáo trình thông thường sẽ không thể giúp ích cho những học sinh thiểu số đặc biệt của mình. Những đứa trẻ làng Salluit không chỉ cần một giáo viên. Trên hết, chúng cần một người có thể mang đến một lối sống tích cực, cũng như niềm tin và hy vọng vào tương lai.

“Tôi vừa là một huấn luyện viên thể thao, vừa là người thầy tinh thần, vừa là người cổ vũ cho các em”, cô MacDonnell nói. “Với một số đứa trẻ, tôi cũng như một người chị, một người dì hay một người mẹ thứ hai”.

Dạy chữ, dạy người trên Bắc Cực - ảnh 1

 Các hoạt động của cô giáo MacDonnell nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi lớp học. Cô tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, thành lập một câu lạc bộ điền kinh và đưa các vận động viên tiềm năng đi giao lưu thi đấu ở các khu vực khác của Canada.

Năm 2011, sau khi ngược xuôi tìm nguồn tài trợ, cô MacDonnell đã xây dựng một trung tâm thể dục thể hình đầu tiên của làng Salluit. Số tiền cô kêu gọi tài trợ được là 100.000 USD, gần như xấp xỉ với số tiền người làng Salluit bỏ ra mỗi tuần để mua rượu và ma tuý.

“Khi tôi so sánh những hoạt động lành mạnh với những hoạt động thiếu lành mạnh trong làng, thì rõ ràng là sự thiếu lành mạnh đang thắng thế”, cô MacDonnell cho biết. Quyết tâm xây dựng một trung tâm thể dục thể hình của cô cũng nhằm mục đích lật lại cán cân này.

Dạy chữ, dạy người trên Bắc Cực - ảnh 2

 Xây dựng một trung tâm thể hình ở Bắc Cực không hề đơn giản. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để đưa được các dụng cụ và máy tập đến với ngôi làng xa xôi. Suốt mùa đông dài, vùng biển Bắc Cực đóng băng. Con tàu chở thiết bị cho phòng tập đã bị mắc kẹt cách làng Salluit tới vài trăm kilomet. Cô MacDonnell cùng người làng đã phải thuê các thợ săn chuyên nghiệp đưa những thiết bị này về. Họ đã mất tới 9 tháng ròng để vận chuyển từng bộ phận của các máy chạy bộ, máy leo núi và các loại máy tập thể hình khác về làng, trên những chiếc xe máy trượt tuyết.

Nhưng các hoạt động thể thao và phòng tập thể hình chỉ là một phần nhỏ trong số các sáng kiến kết nối với người dân, lan toả những điều tốt đẹp để thay đổi cộng đồng của cô MacDonnell. Bên cạnh các hoạt động thế thao, cô MacDonnell còn sáng lập và vận hành một bếp ăn từ thiện, huấn luyện về các biện pháp phòng chống tự tử ở thanh thiếu niên, cũng như tổ chức các chuyến tham quan vườn quốc gia để kết nối các học sinh với cội nguồn của người Eskimo.

MacDonnell cũng nhận nuôi nhiều đứa trẻ cơ nhỡ, trong đó có cả những học trò của chính mình. Không chỉ làm những điều tốt đẹp cho các học trò, cô giáo MacDonnell còn khích lệ các học trò của mình làm những điều tốt đẹp. Với sự dìu dắt của cô giáo, chúng đã nỗ lực gây quỹ, kêu gọi được khoản tiền lên tới 37.000 USD cho các hoạt động phòng chống bệnh tiểu đường và các mục đích cao đẹp khác.

Khơi dậy cội nguồn

Với giải thưởng Nhà giáo Toàn cầu 2017, chỉ qua một đêm, cô giáo MacDonnell đã trở thành một triệu phú. Nhưng cô không giữ lại gì cho bản thân mình mà giành toàn bộ 1 triệu USD cho một mục đích mới nghe thì tưởng chừng vô thưởng vô phạt: Dạy trẻ em Eskimo cách chèo xuồng kayak.

Xuồng kayak vốn dĩ và phát minh của người Eskimo và là phương tiện từng gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và mưu sinh của họ. Tuy nhiên, trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, những chính sách đồng hoá mà Canada tiến hành với các cộng đồng Eskimo khiến lối sống và truyền thống văn hoá của họ bị mai một nghiêm trọng.

Dạy chữ, dạy người trên Bắc Cực - ảnh 3

Bằng việc thành lập một tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ dạy trẻ em Eskimo cách chèo xuồng kayak, cô MacDonnell muốn làm sống dậy truyền thống này, nối lại mối dây liên kết giữa thanh thiếu niên Eskimo với nền văn hoá và di sản của họ. Chèo xuồng kayak cũng giúp thanh thiếu niên Eskimo kết nối với thiên nhiên và đất mẹ.

“Rất nhiều thanh thiếu niên Eskimo đã trở nên xa rời với di sản văn hoá mà tôi cho rằng đặc sắc nhất của họ, đó là mối liên kết tinh thần giữa con người và mảnh đất của họ”, cô MacDonnell cho biết.

Với nhãn quan của một nhà hoạt động xã hội, cô giáo MacDonnell cho rằng việc kết nối người Eskimo với cội nguồn văn hoá của họ cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nan giải mà các cộng đồng như làng Salluit đang phải đối mặt.

Trong nhiều thập kỷ, thậm chí là nhiều thế kỷ, các cộng đồng Eskimo bị biến động sâu sắc bởi những chính sách “diệt chủng văn hoá” như cưỡng bức di cư, cưỡng bức giáo dục nội trú, tiêu diệt chó kéo xe, bên cạnh đó là các dịch bệnh kinh hoàng đến cùng với sự xuất hiện của người dân da trắng. Những biến động này đã gây ra những tổn thương tâm lý kéo dài qua nhiều thế hệ và còn để lại hệ quả nặng nề lên các cộng đồng Eskimo cho tới ngày nay. Việc hồi sinh các truyền thống và di sản văn hoá Eskimo cũng là hồi sinh tinh thần cộng đồng và ý thức về giá trị của mỗi cá nhân trong cộng đồng này.

Sức mạnh của kết nối

Những trải nghiệm của MacDonnell trong suốt 7 năm dạy học ở làng Salluit cũng khiến cô hiểu ra rằng giáo dục là phương thuốc thần kỳ để chữa lành những “tổn thương xuyên thế hệ” của cộng đồng người Eskimo. Sau tất cả, những người dân làng Salluit vẫn bao dung, tha thứ và một lần nữa học cách tin tưởng những người ngoại đạo như cô giáo MacDonnell.

“Một điều tốt đẹp là tâm hồn con người muốn được kết nối, và chúng ta vẫn có thể kết nối,” MacDonnell khẳng định.

Dạy chữ, dạy người trên Bắc Cực - ảnh 4

Cùng với tấm lòng nhân hậu và sự kiên nhẫn, bền bỉ, niềm tin đó có lẽ đã là điều làm nên một giáo viên xuất sắc như MacDonnell. Với cô giáo MacDonnell, bí quyết để trở thành người giáo viên số một thế giới không có gì quá cao siêu. Tất cả ở nỗ lực vun đắp các mối quan hệ với học sinh, với cộng đồng của người giáo viên ấy.

Cùng đến Dubai dự lễ trao giải thưởng Nhà giáo Toàn cầu với cô giáo MacDonnell là Larry, một học sinh 19 tuổi ở làng Salluit. Larry lớn lên trong một ngôi nhà bốn phòng cùng với 18 thành viên gia đình. Cậu thường xuyên không muốn trở về ngôi nhà của chính mình do tình trạng bạo lực và lạm dụng ma tuý diễn ra hàng ngày bên trong đó.

“Cuộc sống của tôi từng đầy sóng gió”, cậu thanh niên cho biết. “Chúng tôi không có đủ ăn. Mọi người đánh chửi nhau từ sáng sớm, và tôi thường phải trốn sang nhà chị gái”.

Larry giờ đây đi làm thêm tại phòng tập thể hình do cô MacDonnell sáng lập và đã nộp đơn xin theo học đại học ở thành phố Montreal.

“Vai trò của tôi là cho các học sinh thấy, vẫn có rất nhiều cơ hội mở ra trước mắt, và chúng sẽ có thể đạt được ước mơ của mình”, cô MacDonnell cho biết. “Tôi vô cùng tự hào về các học trò của tôi”.

 

Theo ngaynay.vn