Từ thực trạng tín dụng đen đã tạo ra nhiều hoàn cảnh bi đát, đẩy hàng loạt gia đình vào cảnh nợ nần, cùng quẫn, để lại hệ quả nặng nề cho xã hội, cho vay tiêu dùng được coi là giải pháp hữu hiệu, là một cứu cánh cho những “khách hàng” gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Cần dẹp bỏ tín dụng đen
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, tín dụng đen đang nổi lên như một vấn đề xã hội lớn, len lỏi vào mọi ngõ ngách, nhất là ở các thành phố lớn, các địa phương phát triển, những địa bàn đông công nhân và sinh viên, đang công khai thách thức với chính quyền, gây bất an cho xã hội.
Theo ông Hiểu, khắp nơi, ngay cả trên những tuyến đường lớn, những phố đẹp, tín dụng đen quảng cáo rao vặt công khai với cái gọi là hỗ trợ tài chính, vay nhanh, trả gọn, cầm đồ, bát họ... Nhân viên của các cơ sở tín dụng đen tìm đủ cách tiếp cận công nhân lao động và sinh viên, nhất là những người đang gặp khó khăn.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích, thực tế các công ty tài chính làm gia tăng thêm cơ hội cho người dân tiếp cận tín dụng tiêu dùng với các thủ tục đơn giản. Đặc biệt, khi tín dụng đen hoạt động phi pháp, là u nhọt của thị trường tài chính Việt Nam.
Cũng theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đã đến lúc phải dẹp bỏ tín dụng đen, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động nhưng phải minh bạch, chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
“Nhu cầu trong nền kinh tế hiện tại rất lớn, đặc biệt với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, học sinh, sinh viên, cá nhân có ý tưởng kinh doanh, làm dịch vụ, học hành, giải quyết các chi tiêu bất thường. Nếu không có cho vay tiêu dùng, tín dụng đen sẽ phát triển nhanh khủng khiếp, trở thành vấn đề như của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Khi đó, Chính phủ nước này đã đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng để giảm tối đa tín dụng đen, vốn tạo ra những bất ổn xã hội và cả về thị trường tiền tệ”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Chia sẻ về điều này, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho rằng, những lợi ích mà dịch vụ cho vay tiêu dùng đem lại cho đời sống người dân và xã hội là rất lớn như việc góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.
Không những vậy, dịch vụ cho vay tiêu dùng nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng - đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn, thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay, do không chứng minh được khả năng trả nợ và không có tài sản thế chấp. Đồng thời, giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập. Do vậy, cho vay tiêu dùng góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng trong xã hội.
Bà Kim Thanh cho biết thêm, dịch vụ cho vay tiêu dùng sẽ góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Nghĩa là, dịch vụ sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác ngoài vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
“Cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh nhấn mạnh.
Làm sao để cho vay tiêu dùng bứt phá?
Dù có nhiều lợi ích như đã phân tích ở trên nhưng hiện còn nhiều rào cản khiến thị trường cho vay tiêu dùng chưa phát triển hết tiềm năng. Bên cạnh vấn đề lãi suất, một số ý kiến cho biết, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ cho vay tiêu dùng còn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam và nền kinh tế chưa đủ mạnh để vay tiêu dùng bứt phá.
Nói về quan điểm này, Đại biểu Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, rào cản về ý thức, thói quen mua sắm sẽ dần được thay đổi theo thời gian nhưng rào cản về kinh thế là vấn đề lớn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận, mặc dù kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định cần thiết. Đó là điều kiện nền tảng quan trọng cho sự phát triển các dịch vụ tín dụng tiêu dùng”, ông Ngân cho hay.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, để phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng, cần có rất nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ như phải thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội đối với cho vay tiêu dùng; cần tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức cũng như vai trò của cho vay tiêu dùng. Việt Nam cần có một chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện cũng như là giáo dục tài chính, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ, để thúc đẩy sự phát triển thị trường này tại Việt Nam theo kịp sự phát triển của thị trường thế giới, trước hết cần một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam, đi đôi với việc nâng cao tính năng động, trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thu nhập của người dân Việt Nam.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, minh bạch hóa các điều kiện tín dụng, đặc biệt là lãi suất, là giải pháp quan trọng để bảo vệ người đi vay khỏi các sai sót và sự bất công bằng trong việc tính toán lãi vay, đồng thời giúp người đi vay có thể so sánh giữa các khoản vay và đưa ra quyết định hợp lý trên cơ sở có đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, để cho vay tiêu dùng thật sự phát triển bền vững thì vấn đề lãi suất nên để thuận theo sự điều chỉnh cung cầu của thị trường.