Năm 2019, ngành GD&ĐT Thủ đô đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện theo Nghị quyết 29 của BCH TW Đảng, tích cực triển khai thực hiện chủ đề công tác năm của Thành phố: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2019 được Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê:
Triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường
Hà Nội triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”.
Từ ngày 2-1-2019, Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội chính thức được triển khai đến tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên tất cả 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, trên tinh thần cha mẹ học sinh tự nguyện đăng ký cho con tham gia.
Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn thành phố có trên 1 triệu trẻ em (chiếm tỷ lệ gần 90%) uống sữa theo chương trình Sữa học đường. Sau một năm triển khai, chương trình Sữa học đường đã nhận được sự ủng hộ cao của cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Tổ chức thành công các kỳ thi quốc tế với chất lượng chuyên môn cao
Năm 2019, Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) với sự tham gia của 657 học sinh đến từ 24 tỉnh, thành phố trong nước và 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Toán và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMSO) có sự tham gia của 719 học sinh đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước tính đến thời điểm này đăng cai và tổ chức các kỳ thi quốc tế. Điều đó khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đến công tác GD&ĐT, đồng thời một lần nữa đã khẳng định vị được vị thế của giáo dục phổ thông Hà Nội đối với thế giới.
Đây là cơ hội tốt để Ngành GD&ĐT Hà Nội đẩy mạnh hội nhập với quốc tế. Thông qua các kỳ thi, các em học sinh thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều nền văn hóa đã được học hỏi, giao lưu, tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết, hữu nghị, sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, vì lợi ích và thịnh vượng của mỗi người dân, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi
Năm 2019, học sinh giỏi thành phố tham gia thi học sinh giỏi Quốc gia các bộ môn văn hóa và khoa học kỹ thuật đạt thành tích rất ấn tượng, với tổng số 155 giải (14 giải Nhất; 47 giải Nhì; 56 giải Ba; 38 giải Khuyến khích); tại các kỳ thi quốc tế đã xuất sắc đoạt 338 giải, huy chương các loại (88 Huy chương Vàng; 105 Huy chương Bạc; 111 Huy chương Đồng; 34 giải Khuyến khích).
Không chỉ ấn tượng với số lượng và chất lượng giải của học sinh giỏi Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế năm 2019, nhiều học sinh đã chiếm lĩnh những kết quả mới tiêu biểu, xuất sắc. Trong số đó phải kể đến: Học sinh Trần Bá Tân, lớp 12 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã là học sinh Việt Nam đầu tiên kể từ trước đến nay đạt điểm tuyệt đối 40/40 trong phần thi thực hành kỳ thi Olympic quốc tế môn Hóa học; học sinh Nguyễn Mạnh Quân, lớp 11 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đạt điểm cao nhất thế giới trong Kỳ thi Olympic quốc tế Thiên Văn học và Vật lí thiên văn...
Thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT
Việc thực hiện đổi mới phương thức thi và tuyển sinh lớp 10 đã góp phần đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc trung học cơ sở, tránh hiện tượng học lệch các môn; sự khách quan trong việc đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh; tạo sự đồng đều trong việc đánh giá kiến thức và năng lực của học sinh giữa các nhà trường, giữa các khu vực tuyển sinh trên toàn thành phố.
Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Năm 2019, quy mô mạng lưới trường, lớp của Thủ đô tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển với 2.746 trường học, 2.023.866 học sinh (số liệu tính đến 31-12-2019). Công nhận mới thêm được 119 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (vượt 19 trường so với chỉ tiêu đề ra), nâng tỷ lệ trường công lập của toàn thành phố đạt chuẩn quốc gia lên 71,5%.
So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 là có từ 65% - 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia thì kết thúc năm 2019, ngành GDĐT đã vượt chỉ tiêu đề ra sớm một năm; góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”.
Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4
Năm 2019, tất cả 100 thủ tục hành chính lĩnh vực giáo dục được thực hiện qua DVCTT mức độ 3, mức độ 4 (gồm 65 TTHC cấp Sở, 30 TTHC cấp huyện, 05 TTHC cấp xã), đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính của tổ chức, công dân qua DVCTT của Sở đạt trên 95%.
Toàn ngành có 44/100 DVCTT mức độ 4 đạt 44%, vượt chỉ tiêu đề ra của thành phố 14% (chỉ tiêu thành phố 30% tại KH số 39/KH-UBND ngày 12-2-2019), hoàn thành sớm 1 năm so với kế hoạch của thành phố về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020.
Theo số liệu thông báo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -xã hội Hà Nội (Đơn vị được thành phố giao chủ trì, khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2019), tỷ lệ hài lòng đạt 95,97%, cao nhất khối các Sở, ngành của thành phố năm 2019.
Tổ chức thành công Tuần lễ Hưởng ứng Học tập suốt đời với chủ đề “Tự học là một cách xây dựng xã hội học tập”
Các hoạt động của “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” tại Hà Nội được tổ chức từ ngày 1 đến hết ngày 7-10-2019 là dịp để tiếp tục tôn vinh, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam; là một hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; là cơ hội để các cơ quan ban, ngành của thành phố chia sẻ những nghiên cứu, chủ đề, tổ chức các sự kiện về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; là diễn đàn để các thầy cô giáo, các em học sinh chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong dạy và học; các cơ sở giáo dục và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường (thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ ...) đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng học tập suốt đời và nâng cao khả năng cung ứng giáo dục.
Tổ chức thành công chuỗi hoạt động thiết thực, ý nghĩa, chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ngành GDĐT Thủ đô
Năm 2019 đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô với bề dày truyền thống 65 năm (10-1954/10-2019). Ngành GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai thành công nhiều hoạt động ý nghĩa, mang lại không khí vui tươi, cổ vũ, động viên các thế hệ nhà giáo tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành.
Các hoạt động, phong trào tiêu biểu: Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; Hội diễn văn nghệ “Tiếng hát cán bộ quản lý và giáo viên Thủ đô”; Hội nghị tuyên dương khen thưởng các “Điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của Thủ đô” và giao lưu, gặp gỡ các thế hệ cán bộ quản lý, nhà giáo ngành GD&ĐT Thủ đô…
Giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo
Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 3 năm 2019 được xét duyệt cấp thành phố và tôn vinh trao giải vào tháng 11-2019. Giải thưởng là kết quả của nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học của các nhà giáo và có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, sáng tạo trong quản lý; khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường; quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, giúp đỡ những học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu phát triển tài năng.
Giải thưởng có sức lan tỏa đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các đơn vị từ cấp trường, cấp cụm trường, cấp quận, huyện, thị xã và cấp thành phố. Các nhà giáo đã có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau trên cơ sở xây dựng các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển” và lan tỏa được ý tưởng đổi mới, sáng tạo trong các tổ chuyên môn, trong nhà trường, cụm trường, quận, huyện và thành phố.
Công tác hợp tác quốc tế được chú trọng, đẩy mạnh với nhiều hoạt động đa dạng
Năm 2019, Hà Nội tiếp tục thực hiện có chất lượng Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT (THCS) quốc gia Việt Nam và Chứng chỉ A Level (IGCSE) của Cambridge tại các trường THPT, THCS công lập trên địa bàn Thủ đô. Kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện Đề án cho thấy, học sinh tham gia chương trình song bằng của Hà Nội có chất lượng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới.
Tích cực triển khai các chương trình trao đổi giáo viên với các nước có quan hệ hợp tác với Bộ GD&ĐT và TP Hà Nội. Đưa nhiều đoàn cán bộ quản lý, giáo viên sang học tập tại các nước có nền giáo dục phát triển, ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV), Hội đồng Anh, Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge (CAIE)... Phát huy hiệu quả các chương trình giao lưu, hợp tác quốc tế.