Trong bối cảnh tình hình kinh tế khởi sắc, dân số đông và đi kèm với đó là sức chi tiêu tốt, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định và thu hút được sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Vietnam Report nhận định, kèm theo đó sẽ là áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi mà doanh nghiệp nội địa buộc phải có những chiến lược mới để giữ vững thị phần và cải thiện uy tín của mình trước những đối thủ nước ngoài "nặng đô" hơn vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nhân sự…

Dự án Nghiên cứu ngành bán lẻ Việt Nam 2017 - 2020 thực hiện được dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia đang hoạt động trong ngành bán lẻ nhằm đưa ra góc nhìn tổng quát toàn ngành và đánh giá uy tín thương hiệu của một số nhà bán lẻ tiêu biểu hiện nay tại Việt Nam.

Tại công bố mới đây, nghiên cứu đã chỉ ra Top 10 nhà bán lẻ uy tín ở nhóm ngành tiêu dùng nhanh và nhóm ngành điện máy, điện lạnh.

Các công ty được đánh giá, tính điểm và xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm:

(1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn…) (được tính 30% trọng số điểm);

(2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng (30% trọng số điểm);

(3) Khảo sát online về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/ dịch vụ của công ty; Khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành; và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2017 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm… (40% trọng số điểm).

Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 - Ngành hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị…

STT TÊN DOANH NGHIỆP
1 Công ty TNHH Dịch vụ EB (BigC)
2 Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Co.op Mart)
3 Công ty CP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam
4 Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (Vinmart)
5 Công ty TNHH Aeon Việt Nam
6 Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất
7 Công ty CP Bibo Mart
8 Công ty CP Nhất Nam (Fivimart)
9 Công ty CP Intimex Việt Nam
10 Công ty CP Veetex (Tuticare)

Top 10 Nhà bán lẻ uy tín năm 2017 Ngành hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc…

STT TÊN DOANH NGHIỆP
1 Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động
2 Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)
3 Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)
4 Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim
5 Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Shop)
6 Công ty CP Pico
7 Công ty CP Sản xuất thương mại XNK Viễn thông A
8 Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI
9 Công ty TNHH Thương mại VHC (Home Center HC)
10 Công ty TNHH Cao Phong (Điện máy Chợ Lớn)

Như vậy, ở nhóm các siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh thì Big C, Vinmart (Vincommerce) và Co.op Mart đang là 3 nhà bán lẻ được nghĩ đến nhiều nhất trong tâm trí người tiêu dùng. 

Trong khi Saigon Co.op được biết đến là hệ thống bán lẻ có số lượng siêu thị lớn nhất Việt Nam và tập trung phát triển ở phía Nam thì Big C phủ rộng thương hiệu ở cả 3 miền và phát triển đồng đều.

Đáng chú ý khi một đối thủ mới nổi lên là chuỗi Vinmart đang phát triển một cách ấn tượng khi mở ra hàng loạt các siêu thị và cửa hàng tiện ích sau hơn 2 năm gia nhập thị trường.

Ở nhóm các nhà bán lẻ hàng lâu bền như điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý… một số tên thương hiệu lớn được người tiêu dùng nhớ đến là: Điện máy xanh (25%), Nguyễn Kim (17%), PNJ (13%)…

Có thể thấy, trong năm 2017, cuộc đua của các hãng bán lẻ trên thị trường điện tử, điện máy, vàng bạc, đá quý… nói riêng và thị trường hàng lâu bền nói chung càng trở nên quyết liệt khi nhiều hãng thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, mở thêm nhiều điểm bán hàng tại nhiều địa phương. 

Việc cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu nhãn hàng được kỳ vọng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ mà còn mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm mà người dùng nhận được.

Theo Vân Hà/Reatimes