Rục rịch kế hoạch bung hàng

Nếu như trong nửa đầu năm 2023, các chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới, có xu hướng thăm dò thị trường là chủ yếu, thì bắt đầu từ cuối tháng 6, các chủ đầu tư đã mạnh dạn hơn trong việc bung hàng, gánh nặng tâm lý cũng dần được cởi bỏ.

Theo ghi nhận của PV, rất nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã mở bán dự án trở lại hoặc có lịch mở bán dự án trong quý III và quý IV/2023.

Tại TP.HCM, mới đây nhất là sự kiện mở bán phân khu The Glory Heights thuộc dự án Vinhomes Grand Park (Quận 9) của chủ đầu tư Vinhomes. Đây là sự kiện mở bán tạo ra sức nóng lớn trên thị trường khi chỉ trong 34 giờ đã có 2.000 căn hộ trên tổng số 3.168 căn chào bán được khách hàng đặt cọc.

Ngoài dự án này, TP.HCM còn có các dự án như: Akari City, Mizuki Park, Glory Heights, Matery Centre Point, The Global City, Connic Boulevard, Urban Green, MT Eastmark, Starlight Residence… cũng đồng loạt bung hàng giai đoạn tiếp theo.

Sự kiện mở bán phân khu The Glory Heights thuộc dự án Vinhomes Grand Park (Quận 9) của chủ đầu tư Vinhomes. (Ảnh: Đông Tây Land)

Tại Bình Dương, cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Kim Oanh đã mở bán 200 căn hộ cuối cùng tại dự án Legacy Prime. Cách đó không xa, Phú Đông Group cũng lên kế hoạch khởi công xây dựng dự án Phú Đông SkyOne và tổ chức giới thiệu ra thị trường vào quý IV/2023, mức giá dao động 1,2 - 1,5 tỷ đồng/căn.

Riêng Tập đoàn Danh Khôi, sau một thời gian dài “bất động” tại dự án Astral City thì hiện tại, dự án này cũng đã hoàn thiện thủ tục pháp lý và được Sở Xây dựng Bình Dương cho phép huy động vốn theo hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong tháng 8, Tập đoàn Danh Khôi mời những khách hàng đặt mua căn hộ lên ký hợp đồng mua bán, đồng thời tiến hành dọn dẹp công trường để thi công trở lại.

Tại TP. Vũng Tàu, SG Holdings vừa tổ chức mở bán dự án Vung Tau Centre Point. Dự án được phát triển trên quỹ đất 7.482,07m2, bao gồm 2 block cao 25 tầng với 540 căn hộ tiêu chuẩn, 26 căn duplex penthouse, 29 căn shophouse. Dự án được giới thiệu mức giá ưu đãi từ 2,9 tỷ đồng với căn hộ 2 phòng ngủ và 3,8 tỷ đồng với căn hộ 3 phòng ngủ.

Đại diện nhiều chủ đầu tư cho biết, dù chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn về dòng tiền, pháp lý, thanh khoản, nhưng thị trường hiện đã bớt ngột ngạt hơn so với đầu năm. Chính vì vậy, gánh nặng tâm lý của các doanh nghiệp cũng dần được cởi bỏ.

“Nhờ sự hỗ trợ quyết liệt từ phía Chính phủ đối với thị trường bất động sản, tâm lý của các chủ đầu tư hiện nay đã chuyển biến tốt hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Mặc dù, tính thận trọng vẫn còn nhưng các chủ đầu tư đã sẵn sàng quay trở lại thị trường, dồn mọi sức lực để tái khởi động các dự án.

Đặc biệt, khi nhà đầu tư lấy lại niềm tin trong thời gian tới, các chủ đầu tư sẽ mạnh dạn hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách kích cầu, nhằm hồi phục giao dịch”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản phía Nam chia sẻ với Reatimes.

Doanh nghiệp vẫn cần “liều thuốc” từ chính sách để bật dậy mạnh mẽ

Theo nhiều báo cáo và phản ánh từ chính các doanh nghiệp phát triển bất động sản, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay vẫn là nguồn vốn và pháp lý.

Nguồn vốn tín dụng được xem là “bà đỡ” của doanh nghiệp bất động sản, nhất là sau khi các doanh nghiệp đã bỏ lượng tiền lớn để tạo lập quỹ đất phát triển dự án thì việc được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình đến thời điểm đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai là rất cần thiết. Thế nhưng, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay lại không hề dễ dàng.

Ở thời điểm cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản khó có thể vay vốn tín dụng vì room tín dụng bị hạn chế. Sang đến đầu năm 2023, khi room tín dụng được mở rộng, thì lãi suất cho vay lại nằm ở mức cao, nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết doanh nghiệp.

Hiện tại, bước sang nửa cuối năm 2023, lãi suất cho vay có xu hướng giảm, room tín dụng còn dồi dào nhưng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự dễ dàng khi yêu cầu về tài sản đảm bảo, tình trạng nhóm nợ đang khá cứng nhắc.

Vì vậy, mong muốn của hầu hết doanh nghiệp bất động sản là nhanh chóng khơi thông điểm nghẽn về nguồn vốn để doanh nghiệp có nguồn lực trong việc phát triển, hoàn thiện các dự án.

Doanh nghiệp vẫn cần “liều thuốc” từ chính sách để bật dậy mạnh mẽ. (Ảnh minh họa: Tùng Dương)

"Không có doanh nghiệp nào có thể phát triển bằng vốn tự có hoàn toàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản chuyên phát triển các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn. Chỉ cần tắc ở việc huy động vốn, nhất là vốn tín dụng cũng đủ để khiến hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản "giậm chân tại chỗ”, nếu không muốn nói là đứng bên bờ vực phá sản.

Vì vậy, điều mà chúng tôi mong mỏi là các nhà hoạch định chính sách nên có những đánh giá đa chiều để hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đảm bảo an toàn hệ thống các ngân hàng là đúng đắn và rất quan trọng; tuy nhiên nếu việc cho vay đến các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, các ngân hàng cũng sẽ 'chết'", đại diện doanh nghiệp phía Nam chia sẻ.

Cũng theo doanh nghiệp này, bên cạnh nguồn vốn thì pháp lý dự án cũng cần được quan tâm tháo gỡ triệt để để doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Đại diện doanh nghiệp cho biết, tiến độ giải quyết thủ tục pháp lý của các dự án thời gian qua vẫn còn chậm và rườm rà, nhiều khi chỉ một giấy phép con nhưng mất từ 2 - 3 năm chưa giải quyết xong.

“Doanh nghiệp hỏi địa phương thì địa phương bảo chờ để hỏi Sở, Sở lại chờ để hỏi Bộ. Đó là lý do mà tồn kho bất động sản tăng cao qua mỗi năm trong khi nguồn cung nhà ở trên thị trường vẫn không được cải thiện”, đại diện doanh nghiệp nói.

Do đó, tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp được đầu tư phát triển dự án là giải pháp đầu tiên và cũng là then chốt nhất cần thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và có cơ sở để phát triển đường dài.

Chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) cũng bày tỏ, những doanh nghiệp đang trụ lại trên thị trường là những doanh nghiệp chấp nhận thay đổi, sẵn sàng tái cấu trúc để đem lại những luồng sinh khí mới thúc đẩy thị trường hồi phục. Trên thực tế, bước sang quý III/2023, nhờ bệ đỡ từ sự đồng hành của Chính phủ cùng những nỗ lực của các doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng bắt đầu ghi nhận những tín hiệu khởi sắc hơn, tích cực hơn.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoàn toàn cởi bỏ tâm lý e ngại, “bật dậy” mạnh mẽ vào thời điểm cuối năm và hoàn toàn lấy lại phong độ khi bước sang năm 2024 thì vẫn cần nhiều hơn những hỗ trợ, đồng hành từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

“Vướng mắc thuộc cấp nào thì cấp đó cần có trách nhiệm xử lý nhanh chóng, triệt để; không để vướng mắc chồng vướng mắc - đây chính là quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều cuộc họp về thị trường bất động sản.

Rõ ràng, tinh thần thì đã rõ nhưng tôi cho rằng, hành động phải rõ hơn. Có như vậy, doanh nghiệp làm bất động sản mới thực sự được gỡ bỏ những rào cản suốt nhiều năm qua. Đây cũng chính là trợ lực để kéo doanh nghiệp, nhà đầu tư quay trở lại thị trường, sẵn sàng bước vào một chu kỳ mới với tâm thế phát triển bền vững, lành mạnh”, ông Hiệp nói./.

Theo Tuệ Minh/Đô thị mới/Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-khong-con-nam-im-nghe-ngong-20201224000021639.html