Dịch Covid-19 - Cơn “ác mộng” với mọi ngành nghề
Tâm bão dịch bệnh Covid 19 lan ra hơn 200 nước trên thế giới một cách không lường trước đã gây ra sự xáo trộn chưa từng có cho tình hình kinh tế và an sinh xã hội trên toàn cầu. Biên giới các nước đóng cửa, cả xã hội áp dụng biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh lây lan và đi kèm theo đó là tác động trực diện vào nền kinh tế khiến các nước hùng mạnh cũng phải lao đao, tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng, các ngành nghề kinh tế gần như đóng băng, thị trường chứng khoán lao dốc khiến mọi người đều liên tưởng đến suy thoái kinh tế của năm 2008.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008 xảy ra từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính các nước do bong bóng bất động sản, kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế, sự lao dốc của thị trường chứng khoán mà hệ lụy của nó còn tiếp tục kéo dài nhiều năm sau đó. Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lần này được đánh giá là nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đây bởi các yếu tố sau:
1. Thời gian diễn ra quá nhanh, không được dự báo, không lường trước được nên không có trong kịch bản ứng phó năm 2020.
2. Xuất phát điểm là đại dịch bệnh đe dọa tính mạng con người nên nguồn lực các nước phải đổ ra ưu tiên chống dịch trước.
3. Suy thoái kinh tế diễn ra như một điều tất yếu không thể tránh khỏi trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, số lượng người thất nghiệp tăng nhanh, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc kỷ lục, giá dầu giảm mạnh... Khủng hoảng lần này diễn ra theo chiều thẳng đứng, cảm giác mọi thứ tự nhiên đóng băng, ngừng hoạt động không kịp trở tay. Và như vậy các nước phải nỗ lực gấp đôi, chi phí, nguồn lực cũng huy động tối đa cho cả hai mặt trận chống dịch bệnh và chống suy thoái kinh tế mà tác động của nó sẽ phải rất lâu sau mới có thể hồi phục được.
Việt Nam hiện nay đang được đánh giá tốt về công tác phòng chống dịch so với các tâm điểm dịch khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các nước châu Âu... Tuy nhiên chúng ta đang phản ứng chậm với mặt trận thứ 2 là chống suy thoái kinh tế. Các gói hỗ trợ lãi suất, giãn/ giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành trong tình huống doanh nghiệp đang dần kiệt sức cần phải trợ lực. Cần phải có đánh giá mức độ tác động đến các lĩnh vực kinh tế một cách đầy đủ, từ đó có các giải pháp đủ mạnh để vực dậy nguồn lực cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình hồi phục sau dịch bệnh.
Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực kinh tế đầu tàu liên đới với rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Thị trường bất động sản vốn đang gặp khó khăn do khủng hoảng pháp lý kéo dài dẫn đến lệch pha cung-cầu rất lớn, nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng cao, thời gian triển khai dự án kéo dài gây lãng phí nguồn lực và đẩy giá thành tăng cao.
Quý I/2020 mức giao dịch của toàn thị trường chưa đến 20% so với mục tiêu kỳ vọng do ảnh hưởng dịch bệnh. Thị trường bất động sản một lần nữa rơi vào khó khăn chồng chất. Các doanh nghiệp nhỏ không đủ nguồn lực lần lượt rời bỏ thị trường, con số này chiếm trên 50%. Số doanh nghiệp còn lại cố gắng cầm cự chờ thị trường khôi phục trở lại.
Đầu tư bất động sản mang tính dài hạn và nguồn lực đầu tư rất lớn, chỉ cần ách tắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và sự sống còn của doanh nghiệp. Các chủ đầu tư lớn hiện nay buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên yếu tố dịch bệnh chỉ là ngắn hạn rồi sẽ qua đi, các doanh nghiệp buộc phải vào cuộc chuẩn bị cho cuộc đua chạy nước rút vào các quý cuối năm để bù lại những quý đầu năm.
Theo bà Hương, vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện để khai thông nguồn lực xã hội, vực dậy thị trường bất động sản sau đại dịch vốn đã bị tổn thương rất nặng nề. Cần một thông điệp Quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và một kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III năm nay giúp thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trưởng trên mặt trận chống suy thoái kinh tế cũng như trên mặt trận chống dịch vậy. Có như thế chúng ta mới có hy vọng về một thị trường bất động sảnkhởi sắc hơn, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế sau đại dịch của Chính phủ.
“Doanh nghiệp đừng chờ giải cứu, hãy tự thân vận động”
TGĐ Đại Phúc Land nhận định, để quay trở lại với nhịp độ trước khi có dịch thì các chủ đầu tư cần lên sẵn một số kế hoạch để chờ khi dịch qua đi thì bắt tay vào ngay thay vì chờ đợi. Một số việc cần làm ngay đó là tập hợp các dự án của các chủ đầu tư đã sẵn sàng chào bán (có thể đưa ra một số tiêu chí yêu cầu liên quan đến pháp lý dự án mới đủ điều kiện đưa vào danh sách). Tình hình thực tế là nguồn cung đang khan hiếm nên cần tiếp tục tác động từ Hiệp hội bất động sản và cơ quan ban ngành thúc đẩy mạnh tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung.
Phân loại sản phẩm theo quy mô, theo khu vực và theo loại hình sản phẩm: Nhà phố, biệt thự; Căn hộ bình dân, trung cấp; Căn hộ cao cấp; Nhà đất vùng ven, các tỉnh thành lân cận, Dự án nghỉ dưỡng; Dự án nhà xưởng, Khu công nghiệp. Phân chia làm 2 nhóm đối tượng tiếp cận: Mua bán dự án, mua sỉ một phần dự án; Bán lẻ ra thị trường.
Các chủ đầu tư cần xác định các chính sách bán hàng đặc biệt dành cho khách hàng và chi phí bán hàng dành cho hệ thống phân phối, tổ chức Road show dự án dành cho 3 đối tượng: M&A dự án hoặc 1 phần dự án dành cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tổ chức ngày hội dành riêng cho các hệ thống MG, đưa ra các chương trình liên kết bán hàng hấp dẫn. Tổ chức ngày hội mua nhà dành cho khách hàng: đưa ra các gói ưu đãi cực tốt cho người mua nhà, mua đất với chính sách giá cả hợp lý. Vào tháng Sáu nếu chấp thuận thành lập thành phố khu Đông sẽ là một điểm sáng làm đòn bẩy kích cầu khu Đông Sài Gòn.
Các ngành nghề khác đều có thể vào cuộc trong chiến dịch lớn này. Các doanh nghiệp phải phát huy năng lực tự thân và chủ động trong mọi hoàn cảnh. Tâm lý chờ giải cứu, trông đợi và coi dịch bệnh là cái cớ để đổ lỗi sẽ không giải quyết được tình hình. Việc cần làm bây giờ doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch bài bản để khi dịch qua đi thì bắt tay vào làm ngay chứ không chờ đợi. Sự hợp sức của các doanh đang hoạt động trong mỗi lĩnh vực, các chuyên gia kinh tế, các Cơ quan chính quyền, các Cơ quan truyền thông báo chí cùng thống nhất kế hoạch hành động và tích cực lan tỏa thông điệp. Chúng ta có ít nhất 3 tháng cho các bước chuẩn bị cần thiết để sau khi dịch kết thúc sẽ vào guồng tốt hơn.
“Trong giai đoạn chạy nước rút này khi chỉ còn lại 6 tháng cuối năm để vực dậy tình hình, các doanh nghiệp phải làm việc gấp 200%, thậm chí 300% mới có cơ hội đạt 50-70% theo kỳ vọng trong tình hình rất thử thách này. Nếu chúng ta làm tốt, tâm lý thị trường sẽ quay trở lại và cơ hội hồi phục, đà tăng tốc sẽ tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo. Sự cộng hưởng từ các nguồn lực trong và ngoài nước là rất quan trọng”, TGĐ Đại Phúc Land nhắn nhủ.