Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong năm 2021 dịch Covid-19 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, do đó nền kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi nhanh chóng một cách dễ dàng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cũng như khai thác tốt thị trường trong nước trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2020, diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số nước hiếm hoi đạt tốc độ tăng trưởng dương 2,91%, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng âm. Về triển vọng kinh tế năm 2021, các chuyên gia kinh tế Việt Nam vừa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng.
Cụ thể, đối với mức kịch bản cơ sở, dự báo kinh tế đất nước sẽ đạt 5,49%; mức kịch bản thấp là 3,48% và ở kịch bản cao là 6,9%. Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn FDI.
Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu làm cho nền kinh tế trở nên “mong manh” trước các cú sốc đến từ bên ngoài. Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, phải phát huy được yếu tố nội lực khu vực kinh tế tư nhân, đó là liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị.
"Góc nhìn của chúng tôi thì thị trường nội địa trong nước trong năm 2021 là quan trọng hàng đầu. Đó là cái mà doanh nghiệp tập trung để làm chủ được ngay trên sân nhà mình để có được một điều kiện để kinh doanh. Nhà nước, Chính phủ cũng cần có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp là thị trường trong nước.
Thứ hai, nếu như vaccine triển khai rộng rãi trên toàn thế giới vào khoảng cuối là 2021, và Việt Nam chúng ta đang cho nghiên cứu và triển khai thử nghiệm Vaccine thì sẽ có tác động để phục hồi dần kinh tế của đất nước" - ông Chu Tiến Dũng chia sẻ.
Trong bối cảnh phòng, chống đại dịch vẫn là yếu tố cốt lõi, thì với quá trình chuyển đổi số là cú huých quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây. TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được coi là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chỉ để đối phó với dịch bệnh. Do đó, TS Lê Xuân Sang kiến nghị Chính phủ cần xây dựng, triển khai sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế và các giải pháp cơ cấu lại ngành, hàng liên quan.
Theo TS Lê Xuân Sang: "Cùng với việc tác động của đại dịch Covid-19 giúp thúc đẩy chuyển đổi số mà chúng ta lại vừa mới ban hành Chiến lược chuyển đổi số, thì nên chăng có sự hỗ trợ, có sự kết hợp giữa các gói với nhau để tạo ra được hiệp lực hay tác động cộng hưởng thì sẽ tốt hơn.
Bởi vì vấn đề quan trọng đây là việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sau Covid-19 nếu bị dừng lại, lại không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì quá trình này sẽ bị trùng xuống. Do đó, đây là một khía cạnh rất quan trọng cần phải cân nhắc để đưa vào nhóm hỗ trợ trong thời gian tiếp theo nhằm thúc đẩy quá trình này tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới".
Năm 2021 nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới, tại Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến: "Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu trở thành một trong bốn nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN.
Đây sẽ là một hành trình mà tôi và cộng đồng doanh nghiệp hy vọng trong 5 năm tới chúng ta sẽ thực hiện được, góp phần giúp các doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp hoạt động kinh doanh, phải có những nỗ lực định hình theo hướng phát triển bền vững, chuyển đổi số. Đây là con đường bắt buộc các doanh nghiệp phải đi".
Một trong những nhiệm vụ chiến lược để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu bật trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc của Đại hội Đảng lần thứ 13 XIII là: "Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia".
Đây thật sự là một tầm nhìn mang tính chiến lược và phản ánh chính xác nhu cầu của thời đại. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 50.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với chương trình hỗ trợ chuyển đổi đó, trong đó tối thiểu 30.000 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm miễn phí các nền tảng số Make in Viet Nam...
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nghiep-ky-vong-tiep-tuc-hoan-thanh-muc-tieu-kep-nam-2021-52825.html