Đôi chiều thuận nghịch

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội của các hiệp định mới (Ảnh minh họa)

Nói về những cơ hội mà Việt Nam có được khi tham gia các FTA, hầu hết giới chuyên gia nhận định, chúng ta có hàng loạt các cơ hội lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó ngành được coi là có nhiều lợi thế nhất chính là ngành dệt may. Nếu như khi tham gia WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc thành phẩm trung bình là 25% thì khi các FTA ký kết, mức thuế quan giảm chỉ còn trung bình 0-5%. Đây là một minh chứng rõ rệt cho những lợi thế mà chúng ta có được khi bước chân vào sân chơi hội nhập.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế có được, chúng ta cũng đối mặt với nhiều thách thức, bởi khi hàng hóa của chúng ta sang các nước khác với các dòng thuế giảm sâu, thì cũng đồng nghĩa, hàng hóa của các nước vào thị trường Việt Nam cũng sẽ hưởng các ưu đãi tương tự. Chính bởi vậy, sức ép cạnh tranh là rất lớn. Giới chuyên gia trong ngành chỉ rõ, đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tính cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ rất cao vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau.

Đối với EVFTA và CPTPP, sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu dù lộ trình giảm thuế quan của nước ta là khá dài (thịt gà sau 11-12 năm, thịt heo tươi sau 10 năm, thịt heo đông lạnh sau 8 năm) do sức các sản phẩm này của nước ta còn rất kém so với các nước. Đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung, thách thức lớn nhất vẫn là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Với những rào cản này, cho dù thuế nhập khẩu của các nước được đưa về mức thấp nhất là 0%, hàng nông sản nước ta vẫn rất khó sang được thị trường các nước nếu không đảm bảo được các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đẩy mạnh liên kết

Hội nhập yêu cầu các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết (Ảnh minh họa)

Ngày 14/1/2019 tới đây, CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Bởi vậy, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các DN Việt Nam cần phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để hành động tận dụng cơ hội, hạn chế thấp nhất các rủi ro. Nhấn mạnh về những bước đi mà chúng ta cần phải thực hiện khi CPTPP chính thức có hiệu lực, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định, chúng ta phải hành động. DN phải chủ động tìm hiểu về những thay đổi thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình khi Việt Nam tham gia CPTPP để có kế hoạch hành động kịp thời.

Tham gia sân chơi mới với những đạo luật mới như CPTPP, cái mà các DN Việt Nam cần phải nắm vững đó là “luật chơi”. Mỗi lần Việt Nam thực hiện thêm một FTA mới, sẽ là một cơ hội mới để chúng ta có thể nâng sức cạnh tranh. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng nhiều quy định khác, nhất là các quy định về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường. Việc một DN đơn lẻ tự mình đứng vững trong thời buổi hội nhập ngày càng sâu là rất khó, nhất là khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Do vậy, liên kết các DN trong cùng ngành hàng là bài toán căn cơ để giải quyết vấn đề. Đây vốn là điểm yếu của DN Việt Nam trong suốt những năm qua.

Ngoài việc tận dụng mọi cơ hội để liên kết, xuất khẩu sang các thị trường thành viên, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến thị trường nội địa với 90 triệu dân. Theo đó, Việt Nam luôn là thị trường “nóng” với sức mua lớn. Bởi vậy, nếu DN Việt Nam bỏ qua thị trường nội địa và chỉ hướng tới xuất khẩu, thì chắc chắn, cơ hội sẽ thuộc về tay các DN nước ngoài. Theo các chuyên gia, với hơn 90 triệu dân, Việt Nam là thị trường được sự chú ý của nhiều DN nước ngoài và họ đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường trong nước với những chiến lược hết sức bài bản, những thương vụ mua bán sáp nhập mạnh mẽ. Đó là thách thức không nhỏ dành cho các DN Việt Nam.

Theo congluan.vn