1. Chỉ vài phút sau khi công bố đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán năm 2018 tại một hội đồng thi ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), thí sinh Raghav xin đi vệ sinh.

Trong nhà vệ sinh, Raghav sử dụng điện thoại thông minh (smart-phone) để gửi những bức ảnh chụp trộm đề thi tới số điện thoại mà cậu ta được cung cấp vài ngày trước.

Ít phút sau, thí sinh này nhận được đáp án và quay lại phòng thi chép bài. Trước khi kỳ thi diễn ra, mẹ của Raghav đã trả 16.000 ruppe (hơn 5 triệu VND) cho thày giáo ở trung tâm luyện thi để có số điện thoại kết nối tới nhân vật bí ẩn có thể làm bài thi Toán và Kinh tế giúp Raghav.

Cả bên sử dụng và bên cung cấp dịch vụ đều giấu kín danh tính và chỉ liên lạc qua điện thoại. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của đường dây gian lận, Raghav trót lọt vượt qua kỳ thi và đỗ vào một trường đại học ở New Delhi.

Trường hợp của Raghav không phải cá biệt, trái lại là ví dụ tiêu biểu cho tình trạng gian lận có tổ chức và tràn lan ở các kỳ thi cử ở Ấn Độ. Tại quốc gia Nam Á hơn 1,3 tỷ dân này, người ta không còn xa lạ với cảnh các phụ huynh bất chấp hiểm nguy leo trèo trên các tòa nhà cao tầng để “ném phao” cho thí sinh; các đường dây mafia thi cử ngông nghênh kiếm tiền bằng cách giải hộ bài thi trực tuyến.

Các nhà nghiên cứu giáo dục Ấn Độ cho rằng nạn gian lận thi cử ở nước này bắt nguồn từ áp lực lớn phải vào đại học bằng mọi giá của hàng chục triệu học sinh và phụ huynh, trong khi các trường đại học có ít chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” vào những trường đại học tốt nhất thậm chí cao hơn chục lần so với Đại học Oxford hoặc Cambridge.

Bên cạnh đó, quy định thưởng, tăng lương, thăng chức nếu các trường học có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao khiến nhiều hiệu trưởng, giáo viên, giám thị “bật đèn xanh” cho học sinh gian lận để chạy theo thành tích. Bà Yamini Aiyar – Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách – khẳng định : “Đây là dấu hiệu của nền giáo dục sụp đổ”.

Tại Kenya – quốc gia châu Phi với số dân hơn 48 triệu người, nạn gian lận thi cử diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc các thí sinh nhìn trộm bài nhau cho tới việc các giáo viên bán đề thi, đáp án. Năm 2015, Kenya phát hiện hơn 5.100 thí sinh gian lận trong kỳ thi chứng chỉ trung học cơ sở (tăng 70% so với hơn 2.975 trường hợp bị phát hiện năm 2014).

Năm 2018, Kenya phanh phui vụ gian lận trong kỳ thi trung học cơ sở năm 2017 liên quan hơn 1.200 thí sinh. Theo báo cáo của Hội đồng khảo thí Kenya (KNEC), nhiều thí sinh và giáo viên đã câu kết với nhau để gian lận; một số sử dụng smart-phone trao đổi tài liệu liên quan bài thi; một số thí sinh có đáp án giống hệt nhau trong tất cả các câu hỏi.

Sau vụ việc, 500 học sinh ở West Pokot, tỉnh Rift Valley bị hủy kết quả thi; 02 hiệu trưởng và 10 giáo viên bị đuổi việc. Tại Kenya, nếu bị phát hiện tiết lộ đề thi, một người có thể phải ngồi tù 5 năm hoặc chịu phạt 50.000 USD (hơn 1 tỷ VND).

Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp gian lận không bị trừng phạt do sự buông lỏng quản lý trong các kỳ thi. Hậu quả tai hại của tình trạng gian lận thi cử là tạo ra một xã hội không trân trọng sự trung thực và lao động chăm chỉ.

Các hình thức gian lận thi cử trên thế giới gia tăng và tinh vi hơn một phần nhờ sự “tiếp tay” của các công nghệ mới, nhất là Internet và các thiết bị kỹ thuật số.

Gian lận thi cử không chỉ lan tràn ở các quốc gia nghèo, các quốc gia đang phát triển mà còn ở cả các quốc gia phát triển nhất thế giới. Tại Mỹ, năm 2009, tờ The Atlanta Journal-Constitution đăng tải loạt bài điều tra cho thấy điểm số bài kiểm tra “Năng lực tham chiếu theo tiêu chuẩn” (CRCT) của học sinh tại nhiều trường công ở thành phố Atlanta, bang Georgia tăng cao tới mức không thể lý giải.
Năm 2011, Cục điều tra Georgia phát hiện 44/56 trường công ở Atlanta dính líu tới gian lận thi cử, trong đó 178 giáo viên và hiệu trưởng đã thông đồng để xóa lỗi, sửa đáp án “đúng” cho học sinh trong bài kiểm tra CRCT. Có người bị cáo buộc nhận hối lộ hàng trăm ngàn USD để nâng điểm cho học sinh.
Nhiều giáo viên thú nhận họ buộc phải gian lận vì “bệnh” thành tích, sợ bị trù dập hoặc cho thôi việc. Các nhà điều tra đã nêu 3 lý do chính dẫn đến tình trạng gian lận tràn lan trong hệ thống giáo dục công tại thành phố Atlanta: các mục tiêu không thực tế về điểm thi của học sinh; sự phát triển của văn hóa gây sức ép; kết quả thi cử và sự ca ngợi của công chúng được xem trọng hơn các chuẩn mực đạo đức.
Giai đoạn gian lận (2002 – 2009), điểm số các bài kiểm tra tiêu chuẩn của hơn 55.000 học sinh Atlanta liên tục tăng, giúp hệ thống trường công Atlanta nhận được nhiều giải thưởng cũng như được tài trợ thêm kinh phí.
Sau khi bê bối bị phát hiện, bà Beverly Hall – người chịu trách nhiệm quản lý các trường công ở Atlanta – đã từ chức. Năm 2013, bà Hall bị truy tố trách nhiệm liên quan vụ bê bối này. Tháng 2/2015, bà Hall qua đời vì ung thư. Năm 2015, Tòa án Mỹ  truy tố 35 đối tượng liên quan trực tiếp bê bối; một số giáo viên bị tuyên án nặng từ 5 – 20 năm tù giam, buộc thực hiện hàng ngàn giờ lao động công ích và phạt từ 1.000 – 25.000 USD.
Đây được coi là vụ bê bối gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ và làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
Đáng lo ngại là những năm gần đây, việc giáo viên tìm cách nâng điểm số cho học sinh không chỉ xảy ra tại Atlanta mà còn xuất hiện trong các kỳ thi cấp bang ở nhiều thành phố lớn khắp nước Mỹ như: Baltimore, Philadelphia, New York, Los Angeles, Miami, Orlando, Washington…
 

Theo tờ The Atlantic, gian lận thi cử còn có mặt khắp nơi trong bậc đại học Mỹ, thậm chí ở cả các trường danh tiếng nhất như: ĐH Havard, Dartmouth, Stanford, Duke, Indiana, Virginia…

Một số vụ “đình đám” như: năm 2007, 34 sinh viên ĐH Duke “hợp tác” làm bài thi được giao về nhà, 24 người bị đình chỉ hoặc đuổi học; năm 2013, 125 sinh viên ĐH Havard bị kỷ luật, hơn ½ số này bị đình chỉ học vì đã cùng nhau thảo luận và sao chép nội dung bài kiểm tra cuối kỳ được giao về nhà, bất chấp yêu cầu phải tự làm bài một mình; năm 2014, ĐH Georgia điều tra 603 vụ gian lận thi cử, gần 70% trường hợp đã thú nhận; năm 2015, ĐH Dartmouth buộc thôi học 64 sinh viên gian lận trong bài thi về…đạo đức. 

Theo khảo sát về tình trạng gian lận thi cử hơn một thập kỷ qua ở Mỹ của Trung tâm quốc tế về sự liêm chính đại học, 68% sinh viên đại học thừa nhận đã gian lận trong các bài thi viết; 43% cử nhân thừa nhận từng làm điều tương tự.

 

2. Nhiều quốc gia hiện vẫn “đau đầu” tìm cách đối phó với nạn gian lận thi cử, thậm chí có nơi đưa ra một số biện pháp khá…hài hước và cực đoan. Ví dụ tại Ấn Độ, tháng 4/2018, nhân viên trông thi của một trường đại học ở quận Muzaffarpur, bang Bihar đã dùng kéo và dao lam để cắt tay áo của thí sinh trước khi vào phòng thi, trong lúc hàng chục cảnh sát canh gác bên ngoài.

Trước đó vào năm 2016, cũng ở quận Muazzaffarpur, các thi sinh thi vào quân đội phải ngồi ở bãi đất trống, cởi trần và mặc mỗi đồ lót để làm bài thi tuyển. Tại bang Bihar, các thi sinh còn được yêu cầu không đi giày, mang tất trong phòng thi.

Năm 2018, chính quyền bang Uttar Pradesh đã nhờ tới sự trợ giúp của cả lực lượng đặc nhiệm và an ninh “chìm” để  giám sát, truy quét hoạt động của các đường dây “mafia giáo dục” ở các trung tâm luyện thi và trong các kỳ thi.

Chính quyền Uttar Pradesh cũng bắt buộc các cơ sở thi phải lắp đặt camera giám sát CCTV, đồng thời khám người thí sinh trước khi vào phòng thi. Gần đây, trước một số lùm xùm và chậm đổi mới của Hội đồng Giáo dục Trung học Quốc gia Ấn Độ (CBSE), chính phủ Ấn Độ đã thông báo thành lập Cơ quan Khảo thí Quốc gia và xem xét thay đổi 03 kỳ thi quan trọng nhất của nước này.

Có thể thấy, các hình thức gian lận thi cử trên thế giới gia tăng và tinh vi hơn một phần nhờ sự “tiếp tay” của các công nghệ mới, nhất là Internet và các thiết bị kỹ thuật số. Khảo sát của hãng nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy có tới 89% hiệu trưởng các trường đại học ở Mỹ cho rằng máy tính, Internet, smart-phone là thủ phạm khiến nạn gian lận, đạo văn, sao chép bài trong thi cử tồi tệ hơn trong thập kỷ qua.

Thực tế Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…đã phát hiện các vụ việc thí sinh làm lộ đề thi, gian lận thi cử qua việc sử dụng WhatsApp, FaceTime, tai nghe không dây, “tẩy điện tử”, kính mắt trang bị camera…Nhiều quốc gia đã cấm thí sinh mang các thiết bị có truy cập internet như smart-phone, đồng hồ thông minh, máy tính bảng…vào phòng thi.

Năm 2017, chính quyền Algeria đã hạn chế người dùng truy cập vào các trang mạng xã hội trong thời gian diễn ra các kỳ thi quan trọng. Tuy nhiên, biện pháp này chưa đủ mạnh để đối phó với gian lận thi cử qua Internet.

Bởi vậy, năm 2018, chính quyền Algeria đã yêu cầu các nhà mạng cắt toàn bộ truy cập internet (mạng có dây và không dây) trên phạm vi cả nước trong thời gian thí sinh làm bài thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia. Tương tự Algeria, một số quốc gia khác như Ấn Độ (bang Rajasthan ), Nigeria, Iraq, Ethiopia…cũng quyết định ngắt internet trong thời gian diễn ra các kỳ thi quốc gia; đồng thời tại các điểm thi tăng cường lắp đặt camera giám sát, thiết bị phá sóng điện thoại, máy dò kim loại…để phát hiện các hành vi gian lận.

Tuy nhiên, các biện pháp chống gian lận nêu trên dường như mới mang tính tình thế chứ chưa giải quyết được “gốc rễ” vấn đề. Một số chuyên gia giáo dục quốc tế cho rằng, chỉ khi nào “bệnh” thành tích và chủ nghĩa trọng bằng cấp không còn hoành hành thì nạn gian lận thi cứ mới có “thuốc chữa” hiệu quả.

Theo khảo sát về tình trạng gian lận thi cử hơn một thập kỷ qua ở Mỹ của Trung tâm quốc tế về sự liêm chính đại học, 68% sinh viên đại học thừa nhận đã gian lận trong các bài thi viết; 43% cử nhân thừa nhận từng làm điều tương tự.

Theo ngaynay.vn