Ai mới là Chủ đầu tư thật sự?
Dự án CĐM Vĩnh Tường có tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng, với quy mô sử dụng đất toàn dự án là 188 ha. Theo đó, do việc thực hiện các bước chuẩn bị dự án chậm chạp, nên đến tận tháng 12/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc mới cấp giấy chứng nhận đầu tư (lần đầu) cho Công ty Sông Hồng Thăng Long thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Sông Hồng Thăng Long vẫn “nằm im bất động”, không có dấu hiệu thực hiện khởi công dự án. Phải đến ngày 26/5/2017, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện dự án nêu trên.
3 ngày sau khi nhận được đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định số 3868/UBND-NN1 chấp thuận cho Công ty Đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư đối với dự án nêu trên. Công ty này chịu trách nhiệm tiếp tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tiến độ.
Có một điểm đáng chú ý là Công ty Thăng Long mới chỉ thành lập vào ngày 24/5/2017 (chỉ trước thời điểm kế thừa dự án 5 ngày) và có vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập ban đầu của Công ty BĐS Thăng Long gồm: Dương Thị Lan Anh (43%), Nguyễn Văn Hậu (55%) và Nguyễn Anh Đức (2%).
Trong đó, cổ đông Nguyễn Văn Hậu chính là Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Hồng Thăng Long - doanh nghiệp không thể thực hiện dự án khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại tại huyện Vĩnh Tường.
Một ngày sau (tức ngày 25/5/2017), Công ty Thăng Long tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Hai cổ đông Dương Thị Lan Anh và Nguyễn Anh Đức đồng loạt thoái vốn. Chỉ còn cổ đông Nguyễn Văn Hậu vẫn nắm 55% vốn điều lệ. Ông Hậu đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn vào ngày 12/10/2017.
Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập từ tháng 8/2009 do ông Nguyễn Văn Hậu làm Chủ tịch HĐQT. Hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng gồm 3 cổ đông sáng lập là: Nguyễn Văn Hậu góp 1.980 tỷ đồng; Ngô Thị Thanh Nhàn góp 15 tỷ đồng; Nguyễn Thanh Tùng góp 5 tỷ đồng.
Trước đây, Tập đoàn Phúc Sơn từng gây sự chú ý bằng việc công bố dự án “siêu nghĩa trang” tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi số vốn điều lệ trước đó 1 năm của Tập đoàn này chỉ là 130 tỷ đồng. Bằng cách nào đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã được chủ trương đầu tư dự án Thiên An Viên tại Vĩnh Phúc, với tổng đầu tư là 1.500 tỷ đồng. Chỉ sau một năm, “tập đoàn” này tăng hai lần vốn điều lệ và thông báo con số vốn mới đúng bằng 1.500 tỷ đồng. Dự án Thiên An Viên sau đó bị tuýt còi vì trái thẩm quyền, nằm ngoài phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng chính phủ.
Điều đáng chú ý, là không chỉ riêng Dự án CĐM Vĩnh Tường xuất hiện tình trạng phân lô, bán nền mà tại các dự án bất động sản của mình, Tập đoàn Phúc Sơn vẫn phân lô, bán nền, ngay cả khi tình trạng pháp lý chưa rõ ràng. Dự án sân bay Nha Trang (cũ) có quy mô - theo doanh nghiệp này quảng cáo - lên tới 10.000 tỷ đồng và diện tích 62,3ha cũng là một điển hình.
9 tháng kiểm tra chưa ra kết quả?
Ngày 18/7/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 5292/UBND-NN5 chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường của Công ty Thăng Long.
Theo công văn số 5292/UBND-NNS do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ông Lê Duy Thành – ký, nêu rõ giao Sở TNMT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Vĩnh Tường, UBND các xã Lũng Hòa, Tân Tiến kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, xây dựng, nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tại dự án Khu đô thị thương mại Vĩnh Tường của Công ty Thăng Long. Đồng thời yêu cầu Sở TNMT báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các vi phạm tại dự án này theo quy định pháp luật trong tháng 7/2018.
Tuy nhiên, ngay cả khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có yêu cầu kiểm tra về việc sử dụng đất đai tại siêu dự án này, thì vẫn xuất hiện tốp công nhân đang làm việc, thực hiện thi công phần móng nhà mẫu. Đồng thời, cho đến nay đã 9 tháng trôi qua, nhưng kết quả kiểm tra thì vẫn chưa thấy đâu?
Dư luận đặt ra nghi vấn, liệu sau khi dãy nhà mẫu được xây dựng xong, thì việc ngôi nhà dân vốn được xây dựng từ trước (bằng chứng của việc phân lô, bán nền) sẽ bị khỏa lấp, “hợp pháp hóa” do thiết kế mặt tiền của dãy nhà này là hoàn toàn giống nhau? Quá trình kiểm tra khi đó mới hoàn tất thì còn có ý nghĩa gì nữa không? Có hay không việc Tập đoàn Phúc Sơn đứng sau, sử dụng các mối quan hệ của mình để những sai phạm tại Dự án CĐM Vĩnh Tường không bị phanh phui?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ./.