Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%).
Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3% (đến ngày 7/10, tín dụng tăng 7,42%), tương đương có khoảng 120.000 tỷ đồng được bơm thêm ra thị trường. Tốc độ tăng trưởng này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước khi tín dụng tháng 10/2020 chỉ tăng 0,71% so với cuối tháng 9/2020.
Theo ghi nhận trên thị trường tuần trước, lãi suất liên ngân hàng có chung diễn biến giảm ở loại kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần. Sang đến những phiên giao dịch đầu tuần này, các mức lãi suất vẫn chủ yếu đi ngang không có biến động lớn.
Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng duy trì không đổi ở mức 0,65%/năm đối với kỳ hạn qua đêm. Trong khi đó, với các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần, lãi suất liên ngân hàng giảm đồng loạt 0,02%, xuống còn 0,64% và 0,78%/năm.
Như vậy, hiện tại cả 3 loại kỳ hạn ngắn của lãi suất liên ngân hàng đều đang thấp hơn so với mức trung bình cả năm 2021 và ở mức thấp trong 2 tháng gần đây.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng mới nào trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại duy trì ở mức 0.
Từ những động thái trên ta có thể thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát.
Theo các chuyên gia, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Đồng thời đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỉ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 04 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng).
Trong đó lưu ý, rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-bao-nam-2021-tin-dung-co-the-cham-nguong-13-267086.html