Chuyển đổi số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị, nhiều sản phẩm tài chính, đem lại tiện lợi cho khách hàng… là quan điểm chung được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Diễn đàn dịch vụ tài chính và dịch vụ ngân hàng trong tương lai năm 2021, với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số” do IDG Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 7/10.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động khá tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng. Song không phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.

Theo ông Hùng, việc ứng dụng công nghệ số đã giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

Ngành tài chính, ngân hàng thay đổi diện mạo nhờ chuyển đổi số
Ngành tài chính, ngân hàng thay đổi diện mạo nhờ chuyển đổi số

Hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp.

Nếu như cách đây 2 - 3 năm, các NHTM tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng. Đặc biệt, cuộc đua về digital bank đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam.

Ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông… Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chuyển đổi số trong ngành ngân hàng gắn với sự phát triển của thiết bị di động, mang internet và mạng xã hội. Sự phát triển của các yếu tố này đã thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng phát triển. Theo đó, những sản phẩm mới trong hệ thông tài chính - ngân hàng bao gồm ví điện tử, tiền di động đang được sử dụng.

Đặc biệt, với nền tảng di dộng, tiền di động nếu được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được việc thanh toán ở vùng sâu vùng xa, nơi 40% người dân chưa được tiếp cận với tài khoản ngân hàng thì từ nay được thực hiện thanh toán điện tử qua di động. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc trong việc trao phép tạo tiền cho nhà mạng chức năng như của ngân hàng trong việc đưa tiền di động vào lưu thông.

Ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho biết, việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn. Nhưng, việc thực thi chuyển đổi số tại các ngân hàng đang ở nhiều mức khác nhau, đòi hỏi quy trình, kiến trúc và cách vận hành linh hoạt của các doanh nghiệp, bởi một số doanh nghiệp coi đây là dự án về công nghệ nhiều hơn kinh doanh.

Trong khi đó, chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh; trong đó, chuyển đổi số để thu hút, tạo ra sân chơi mới cho khách hàng. Về phía các ngân hàng, thông qua chuyển đổi số mà môi trường và hành vi tiêu dùng thay đổi thì phải không ngừng tạo ra hệ sinh thái mới phù hợp hoặc hợp tác với các fintech tạo ra sân chơi mới cho khách hàng.

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty akaBot - FPT Software thông tin: “Dưới áp lực vận hành liên tục và duy trì tăng trưởng hậu Covid-19, ngân hàng có thể ứng dụng nguồn lực số để nhanh chóng tối ưu hoá vận hành; đồng thời, giúp nhân viên tăng năng suất, giảm áp lực và tập trung vào những công việc có giá trị hơn. Dự kiến đến 2024, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nằm trong top đầu của Đông Nam Á về tỷ lệ ứng dụng ‘nhân lực số’ trong ngành ngân hàng”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Tương lai của tiền tệ chính là kỹ thuật số. Đại dịch đã đẩy nhanh bước tiến vào thế giới số, với lối sống và tư duy “ưu tiên kỹ thuật số” của người tiêu dùng. Tuy vậy, sẽ vẫn cần thêm thời gian để nắm bắt những cơ hội nhằm chiếm trọn được cảm tình của người tiêu dùng với thanh toán không dung tiền mặt”.  

Ngoài ngành ngân hàng, trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tài chính, ngành kinh doanh chứng khoán năm qua có ghi nhận nhiều nỗ lực chuyển đổi số, cho ra đời hoặc nâng cấp, cải tiến nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của thị trường thì lĩnh vực chứng khoán nên đẩy mạnh việc chuyển đổi số nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh hơn.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, trong 5 năm qua, riêng thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ 25 - 30%. Cùng với đó, các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp.

Theo Kinh tế Đô thị

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nganh-tai-chinh-ngan-hang-thay-doi-dien-mao-nho-chuyen-doi-so-437281.html