Ngày 17-1, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội nghị Kinh tế Việt Nam 2018 và triển vọng 2019-2020: Vận hội mới – Yêu cầu mới.
Theo CIEM, Việt Nam đã trải qua một năm 2018 với những thành tựu tương đối lớn ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đó là tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở mức cao. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định: lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư ở mức kỷ lục, thâm hụt NSNN ổn định, nợ công giảm không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát…
Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng. Hoạt động của doanh nghiệp trong quý IV/2018 có sự cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%.
“Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.
Tuy vậy, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện chậm hoặc chưa thực chất trên một số lĩnh vực. Ví dụ như: giáo dục chậm chuyển biến, rào cản điều kiện kinh doanh còn phổ biến trong lĩnh vực này; vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn nhiều trở ngại, tốn kém, lãng phí về thời gian, chi phí và gây rủi ro cho doanh nghiệp;…
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, những cải cách của các bộ, ngành, địa phương đã đi vào cuộc sống, nhưng còn chậm, ít và không đều trên các lĩnh vực; một số cải cách chưa thực chất hoặc chỉ trên văn bản.
Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành. Đến hết tháng 11-2018, hầu hết các Nghị định sửa đổi nhiều Nghị định về điều kiện kinh doanh đã được ban hành. Tuy nhiên, chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất chưa đạt yêu cầu cắt giảm 50%.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM cho hay, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93% |
Một số điều kiện kinh doanh cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, ví dụ như: điều kiện kinh doanh cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý, nhưng bản chất không thay đổi; một số điều kiện kinh doanh sửa đổi thậm chí gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn,… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng nói, cơ quan hải quan thống kê (đến tháng 4-2018) có 337 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Số lượng văn bản về quản lý chuyên ngành nhiều đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng.
Ngoài ra, phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, hiện vào khoảng hơn 78.000 mặt hàng. Trong nhiều trường hợp, thông tư, quyết định của một số Bộ có xu hướng mở rộng Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của Luật (ví dụ lĩnh vực kiểm dịch động vật, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng).
Theo CIEM, thời gian và chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh,…).
“Có thể nói kết quả cải cách hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn chậm và ít hơn so với chỉ đạo của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, theo kết quả điều tra của VCCI (2018) về quan điểm của doanh nghiệp đối với hiệu quả thực thi các lĩnh vực của Nghị quyết 19 thì chỉ có 43% doanh nghiệp đánh giá có sự thay đổi tích cực về xuất nhập khẩu”, Báo cáo nêu rõ.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%.
Theo ông Dương, bên cạnh việc tiếp tục duy trì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, phát triển các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh, cần chú trọng nâng cao các yếu tố của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ công.
Từ việc phân tích hiệu quả đầu tư trong giai đoạn 2011-2016 của các thành phần kinh tế, Báo cáo của CIEM cũng chỉ ra những nguyên nhân tại sao khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp khiêm tốn vào GDP và khuyến nghị song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
Phương Thảo