Mà điện năng là một mặt hàng rất oái oăm, phát ra là phải dùng, không dùng là vứt đi, cho không ai nhận, tặng không ai lấy. Không có người dùng sản phẩm của mình, cả nhà máy điện khổng lồ sẽ trở thành một đống rác thải.
Chỉ mới cách đây chưa đầy 4 năm, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh), dòng tiền đầu tư chảy vào lĩnh vực này mãnh liệt chưa từng có.
Đến nay, theo nhận định của các chuyên gia năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019. Về tín dụng, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời.
Tại sao lại xuất hiện một làn sóng đầu tư như xuất hiện một cơn sóng thần như vậy?
Nguyên nhân cũng dễ hiểu, trước đó ít lâu, một thông tin “khủng” được phát đi đã làm chấn động giới đầu tư năng lượng toàn cầu: Vương quốc Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority (DEWA) đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án Nhà máy điện Mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3,00 US cent/kWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi kWh điện.
Tại thời điểm mở thầu, DEWA chỉ dự định cho một cơ sở sản xuất 200 MW điện xoay chiều, nhưng với kết quả này, trong những giai đoạn tiếp theo, dự án đang có tiềm năng trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 MW.
Kỷ lục này đã mở toang cánh cửa không chỉ trong nhận thức mà dự báo cả trong làn sóng đầu tư trong tương lai của loài người về lĩnh vực năng lượng mặt trời. Nó chắc chắn sẽ làm chấn động không chỉ ở những nước giầu có mà ngay với Việt Nam, một quốc gia đang có nguồn tài nguyên vô hạn trong lĩnh vực này.
Có lẽ mức chênh lệch giá điện mặt trời kia đã khiến các dự án đầu tư trong lĩnh vực này bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian ngắn chưa từng thấy. Chẳng thế mà xuất hiện một con số kinh hoàng, chỉ tính riêng năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019!
Nay EVN từ chối mua một phần công suất điện của các dự án điện mặt trời cũng có những lý do của mình. Trong 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo sẽ bị cắt giảm trong năm 2021 có hơn 500 triệu kWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào buổi trưa và quá tải đường dây 500kV.
Ngoài ra, theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), để đảm bảo ổn định hệ thống điện, huy động cao nhất các nguồn năng lượng tái tạo, A0 đã cùng giảm huy động các nguồn truyền thống như nhiệt điện than, tuôcbin khí, có nghĩa là nguồn nào cũng bị cắt để thể hiện sự công bằng của mình.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, EVN vốn chẳng mấy mặn mà với năng lượng tái tạo này vì “thiệt đơn thiệt kép”, vừa phải mua điện với giá cao được áp đặt từ trên xuống, vừa phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu nối điện, vừa phải tốn nhân công để theo dõi, kiểm ta, xem xét và thanh toán tiền điện cho “đối thủ cạnh tranh”... Vì thế, mọi động lực đối với bản năng sinh tồn của bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ bị triệt tiêu.
Thế nhưng bên cạnh đó, EVN lại không thể bỏ lại phía sau trách nhiệm nặng nề của một DNNN độc quyền tự nhiên trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện các nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này.
Trong sự lúng túng ấy, hiện EVN đang dùng sách lược “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, nhưng cũng phải lưu ý rằng, phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của cả loài người chứ không chỉ riêng cho Việt Nam, nên có lời khuyên rằng, đừng hại mình trước khi trời hại!
Nguồn: https://reatimes.vn/evn-lung-tung-voi-dien-mat-troi-20201224000001978.html?fbclid=IwAR23Ym2y_-ATDPooFBMbFPV7m7TNS2_QAgmOdDh4OcCjVQnpYGC0Jrphx64