Nhu cầu thế giới tăng cao – Cơ hội cho gạo Việt “toả sáng”
Trong những ngày đầu năm 2021, hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài, trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sẽ được giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn. Đây không chỉ là thông tin chỉ giúp người nông dân thêm động lực mà giới chuyên gia cũng kỳ vọng sẽ còn nhiều cơ hội cho gạo Việt “toả sáng”.
Nhận định về lô gạo xuất khẩu thành công đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Malaysia và Singapore là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi Việt nam ký kết Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Cùng với lô hàng nói trên, những ngày tới còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức và nhiều công ty thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam đã ký kết cuối năm 2020, đại diện ngành Nông nghiệp thông tin.
Trước đó, năm 2020 theo ước tính của Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân cả năm đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019.
Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn không chỉ riêng cho người nông dân mà còn cả cho ngành xuất khẩu Việt Nam.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là hiện cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng “nhận thức” cao hơn việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU.
Với góc nhìn của một thương gia gắn bó gần cả cuộc đời với ngành xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2021 sẽ có nhiều "điểm sáng" dựa trên 3 nền tảng.
Thứ nhất, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) có hiệu lực. Thứ hai, chất lượng gạo Việt gần đây được cải thiện rất nhiều, một phần nhờ chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thứ ba, nhu cầu về lương thực gia tăng. Tuy nhiên, để đáp ứng được như cầu về lương thực thì tính ổn định và hướng sản xuất bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam cần được nâng cao hơn nữa.
Với định hướng tập trung vào thị trường khó tính như EU có giá bán các loại gạo ở mức cao nên ngay trong vụ đông - xuân năm 2021, một số doanh nghiệp đã “định hướng” cho người dân mạnh dạn tiến thêm một bước là loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng.
Không dừng lại ở đó, trong tương lai gần, sẽ từng bước tiến tới áp dụng trên các vùng nguyên liệu khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó đưa gạo Việt Nam “chinh phục” được tất cả các thị trường trên thế giới. Trước mắt, trong năm 2021, doanh nghiệp này sẽ đưa giá trị gạo xuất khẩu năm 2021 dự tính tăng 50% so với năm 2020, ông Bình chia sẻ.
Gạo thơm sẽ là từ khoá “đắt giá” cho ngành xuất khẩu
Còn ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, theo dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 vẫn còn nhiều cơ hội thuận lợi bởi dịch Covid-19 vẫn còn khó khăn. Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua gạo, trong đó điển hình phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh…
Nói đến tương lai cho ngành xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH SXTM Phước Thành IV (Vĩnh Long) thông tin, về nhập khẩu năm 2021, Philippines dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 0,4 triệu tấn vì sản lượng dự kiến giảm gần 8% và tiêu thụ sẽ tăng đều đặn.
Hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines với mức giá cao. Cụ thể, gạo hạt dài 5% tấm đang chào bán ở mức 540 - 550 USD/tấn, gạo thơm có giá từ 560 - 570 USD/tấn. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm sẽ giữ giá gạo ổn định ở mức cao tại thị trường này trong năm 2021.
Ngoài ra, nhập khẩu dự báo sẽ tăng 200.000 tấn ở mỗi nước trong số các nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bờ Biển Ngà, Nigeria. Cùng với đó, nhập khẩu gạo dự báo cũng sẽ tăng nhẹ ở Guinea, Iran, Madagascar, Mali và Mỹ. Đặc biệt, khi chiểu theo cam kết từ một số FTA, năm 2021, ngoài 10.000 tấn gạo xuất sang 2/5 thị trường trong EAEU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã đi vào thực thi từ 1/8/2020 cũng mở đường cho 80.000 tấn gạo theo hạn ngạch sang EU, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).
Chưa kể, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cùng với đó, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nước Anh dành cho Việt Nam là 13.358 tấn/ năm, với 5.001 tấn là gạo thơm.
Anh và EU không phải thị trường lớn, song đây là những nước nhập khẩu các mặt hàng thơm chất lượng cao với giá trị cao nhất thế giới. Với mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch với gạo Việt Nam sẽ giảm xuống còn 0%. Đây được coi là cơ hội mở rộng thị trường cho các chủng loại gạo thơm của Việt Nam trong thời gian tới, ông Thành nhận định.
Nguồn: https://congluan.vn/gao-thom-viet-nam-se-la-tu-khoa-dat-gia-cho-nganh-xuat-khau2021-post113882.html