Gạo Việt Nam đang được thu mua với giá cao.

Cụ thể, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Dự kiến giá gạo Việt Nam sẽ vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết cũng được coi là một trong những nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Kết quả xuất khẩu gạo càng có xu hướng tích cực hơn khi thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo lần lượt đạt 5,74 triệu tấn và 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Các thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh gồm Indonesia, tăng gấp 3,1 lần; Trung Quốc, tăng 79,2%. Trong đó, 10 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 32,9% thị phần. Ngược lại, thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất trong 10 tháng năm 2020 là Iraq (giảm 65,6%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2020 đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong gần một tháng qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ từ mức khoảng 495 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 498 USD/tấn vào gần cuối tháng. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan có xu hướng tăng mạnh từ 466 USD/tấn vào đầu tháng lên 480 USD/tấn vào gần cuối tháng do nguồn cung từ vụ mới chậm đưa ra thị trường khiến tình trạng khan hiếm làm giảm giá xảy ra.

Trái ngược với việc tăng giá kể trên của gạo Việt và gạo Thái Lan, giá gạo Ấn Độ ghi nhận giảm nhẹ từ 373 USD/tấn vào đầu tháng xuống 368 USD/tấn vào gần cuối tháng. Nguyên nhân chính là do đồng Rupee có xu hướng giảm giá.

Trước tín hiệu tích cực thừ thị trường xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hiệp định EVFTA là "chìa khóa" để các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD.

Do đó, xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19, ông Cường nhận định. 

Còn đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự kiến, tháng 12/2020 và thời gian tới giá gạo sẽ bình ổn trở lại, do nguồn cung từ vụ Thu – Đông đang vơi dần và cung từ lúa Đông Xuân sẽ bắt đầu từ 1 – 2 tháng tới.Trong đó, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,5 triệu tấn thóc).

Theo Công luận