Một trang trại chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: I.T

Một trang trại chăn nuôi heo tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: I.T

Ông Trần Quang Trung, chủ một trại heo lớn ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai) hồ hởi cho biết, mấy ngày qua, giá heo hơi đã liên tục tăng mạnh trở lại. Trước ngày 25/3, do nhiều người tiêu dùng tạm ngưng sử dụng thịt heo, cộng với việc nhiều thương lái lợi dụng bệnh DTLCP để ép giá, và nhiều hộ chăn nuôi do lo ngại đã đua nhau bán chạy heo, giá heo hơi trên địa bàn đã giảm rất mạnh. Có những hộ chỉ xuất bán được với giá 33.000-34.000 đ/kg. Nhưng từ ngày 25/3, giá heo hơi đã bắt đầu tăng trở lại. Đến ngày 28/3, giá heo hơi đã đạt mức 42.000 đ/kg.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, xác nhận, trong mấy ngày qua, giá heo trên địa bàn tỉnh này đã tăng trở lại với mức tăng rất mạnh. Cụ thể, cách đây vài ngày, giá heo trong dân từng có thời điểm chỉ còn 34.000 đ/kg hơi, sau đó tăng lên 37.000 đ/kg, và đến ngày 28/3, đã ở mức 40.000-42.000 đ/kg, heo xấu nhất cũng có giá 38.000 đ/kg.

Ông Lê Xuân Huy, Phó TGĐ Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cũng cho biết, giá heo mà Cty thu mua trong hệ thống của mình, với loại tốt nhất (siêu nạc) hiện là 42.500 đ/kg hơi. Heo nhiều mỡ, có giá 38.000 đ/kg.

Như vậy, có thể nói giá heo hơi ở Đồng Nai đang dần ổn định trở lại và giúp cho người chăn nuôi yên tâm hơn.

 Tính đến ngày 28/3, giá heo hơi đã ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, heo xấu nhất cũng có giá 38.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: I.T

Tính đến ngày 28/3, giá heo hơi đã ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg, heo xấu nhất cũng có giá 38.000 đồng/kg. Ảnh minh họa: I.T

Giá heo tăng mạnh trở lại chỉ trong vòng vài ngày, trước hết là do tâm lý của người tiêu dùng đã bắt đầu ổn định trở lại. Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, khi DTLCP mới xuất hiện ở Việt Nam, do dịch bệnh này quá mới mẻ nên khiến cho nhiều người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, e ngại. Cộng với thông tin về dịch bệnh dồn dập trên báo chí, nhất là những tin bài dùng câu chữ một cách quá đà, hay hình ảnh quay cận cảnh những con heo bệnh tím tái được phát trên truyền hình, rồi những thông tin không đúng trên mạng xã hội…, đã khiến cho nhiều người tiêu dùng tạm ngừng sử dụng thịt heo.

Những thông tin từ vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh cũng khiến cho không ít người tiêu dùng Đông Nam Bộ e ngại với thịt heo.

Tuy nhiên, gần đây, nhờ những thông tin, những lời khẳng định trên báo chí từ những chuyên gia có uy tín về việc DTLCP không gây bệnh ở người, cùng với đó là việc các cơ quan chức năng trên cả nước tăng cường kiểm soát về dịch bệnh, về ATTP đối với sản phẩm thịt heo, đã giúp cho nhiều người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt heo trở lại.

Theo ông Trần Quang Trung, thông tin từ chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn, TP.HCM), cho thấy rõ điều này. Nếu như ngày 25/3, lượng heo từ Đồng Nai về chợ này khoảng 3.100 con, thì sang ngày 26/3 đã tăng lên là 4.100 con. Ngày 27/3, lượng heo về Tân Xuân vẫn là 4.100 con và được tiêu thụ rất nhanh.

Mặt khác, khi tạm ngưng sử dụng thịt heo, nhiều người tiêu dùng đã buộc phải dùng các thực phẩm thay thế khác như thịt gà, tôm, cá… Thế nhưng, những thực phẩm này không thể ăn liên tục được nhiều bữa, vì thế, nhiều người tiêu dùng đã quay trở lại sử dụng thịt heo, bởi loại thịt này vẫn là thực phẩm phổ biến nhất trong bữa cơm hàng ngày của người Việt, giá thành rẻ lại dễ chế biến.

Bên cạnh đó, trên thực tế, đàn heo thịt không còn nhiều, nên nguồn cung heo hiện nay ở thủ phủ heo Đồng Nai chỉ bằng hoặc thấp hơn một chút so với nhu cầu (ở lúc bình thường). Vì thế, chỉ cần người tiêu dùng ổn định tâm lý, quay trở lại sử dụng thịt heo, giá heo hơi ở đây sẽ lập tức bật tăng lên ngay, mà mức trên 40.000 đ/kg của ngày 28/3 chỉ là tạm thời, bởi nhiều khả năng giá còn tăng lên nữa.

Theo ông Lê Xuân Huy, C.P Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá heo hơi trên thị trường. Nếu giá tiếp tục tăng lên, Cty cũng sẽ điều chỉnh giá thu mua tăng lên tương ứng trong những ngày tới.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:

Khi chúng ta đưa ra những thông tin minh bạch về dịch bệnh, kiểm soát tốt ATTP đối với thịt heo bán trên thị trường, truyền thông mạnh về việc DTLCP không gây bệnh ở người…, chắc chắn người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng thịt heo trở lại, qua đó giúp cho giá heo hơi sớm phục hồi ở mức người chăn nuôi có lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có vacxin, chưa có thuốc trị bệnh DTLCP, người chăn nuôi cũng nên tính toán lại thời điểm xuất chuồng nhằm bảo vệ tốt hơn đàn heo của mình. Cụ thể, thay vì đợi đến lứa (khoảng 110 kg/con) mới xuất bán, người chăn nuôi có thể xuất bán sớm hơn một chút khi heo khoảng 90-100 kg/con.

Bán như vậy sẽ giảm mật độ nuôi, tạo sự thông thoáng trong chuồng, qua đó giảm áp lực về an toàn sinh học. Như vậy, sẽ góp phần bảo vệ đàn heo được tốt hơn trước sự đe dọa của DTLCP cũng như các dịch bệnh khác.

Theo nongnghiep.vn