Nhà thầu xây dựng kêu cứu

Từ đầu năm, giá các loại vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh. Các thương hiệu cũng liên tục tăng giá thép lên 30 - 40% so với quý cuối năm 2020. Không chỉ thép, giá cả hàng hoá nói chung nhảy múa trước sự bất ổn do Covid-19 lên cao, giá xi măng với cấu thành từ than, điện, xăng dầu, thạch cao, phụ gia… cũng tăng chóng mặt. Từ trung tuần tháng 4, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã điều chỉnh giá sản phẩm bán ra với mức tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn.

Mặc khác, một số nguyên liệu chủ chốt khác là cát, sỏi… cũng đang tăng giá mạnh giữa bối cảnh công tác khai thác gặp nhiều khó khăn. Tất cả những điều này đang gây áp lực rất lớn lên ngành xây dựng.

Trước tình hình giá thép liên tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng đã có "đơn kêu cứu" gửi văn phòng Chính phủ vì lo ngại nguy cơ vỡ trận, phá sản.

Theo VACC, các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý  I, đặc biệt ở tháng 4/2021.

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.

Vì vậy, các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng. Trong khi đó, các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Lợi nhuận loạt ‘ông lớn’ ngành xây dựng tuột dốc không phanh

Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp ngành xây dựng đồng loạt báo lãi giảm mạnh trong quý I/2021.

Tại Công ty Xây dựng Coteccons (CTD), trong quý I/2021 doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt giảm gần 28% và 56% so với cùng kỳ, theo đó đạt lần lượt 2.569 tỷ đồng và 54,5 tỷ đồng.

Theo giải trình, doanh thu trong kỳ của doanh nghiệp này giảm chủ yếu từ mảng xây dựng giảm gần 28% so với cùng kỳ, đây là kết quả của việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn kéo dài từ năm 2020, nhiều dự án bất động sản vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường như thời điểm trước dịch Covid-19.

Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 120 tỷ đồng, giảm hơn 38% so với quý I/2020. Biên lãi gộp tương ứng vào mức 4,67%, thấp hơn đáng kể so với mức 5,46% cùng kỳ.

Trong kỳ, công ty ghi nhận chi phí tài chính giảm và chi phí quản lý tăng lên hơn 120 tỷ là do công ty thực hiện trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên, tương ứng với các khoản lương bổ sung và các khoản thưởng theo thời gian làm việc thực tế phù hợp với quy chế lương thưởng, ngân sách năm 2021 của Tập đoàn, thay vì ghi nhận chi phí theo thực tế thời điểm phát sinh so với trước đây và làm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 86 tỷ còn 62,2 tỷ đồng.

Doanh thu Coteccons giảm mạnh
Doanh thu Coteccons giảm mạnh. Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2021 của Coteccons.

Năm 2021, Coteccons dự kiến doanh thu đạt 17.413 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2020 (14.558 tỷ) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% (334 tỷ). Như vậy, công ty đã lần lượt thực hiện được khoảng 15% chỉ tiêu doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận.

Lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh.
Lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) ghi nhận doanh thu quý I/2021 đạt gần 1.217 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 23,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,4% và giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,8% về chỉ còn 5,9%.

Bên cạnh lợi nhuận giảm, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm. Cụ thể, trong quý I/2021, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của Ricons tiếp tục âm 97,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 170,6 tỷ đồng.

Theo Thanh Thư/Congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/gia-vat-lieu-xay-dung-tang-nhieu-ong-lon-nganh-xay-dung-bao-lai-giam-post132821.html