Các doanh nghiệp thép dành thêm thị phần trong năm 2021
Trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc - Nam là dự án đáng chú ý nhất. Theo ước tính của VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.
Theo đó, trong năm 2021, dự kiến các dự án này sẽ cần huy động khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng nhựa đường, 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này vào năm 2023, ước tính tổng chi phí giành cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ lần lượt cần khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng, 14,8 nghìn tỷ đồng và 8,9 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ theo dự kiến tăng 10 - 12% trong năm 2021. Giá bán thép tăng lên 11,3 triệu đồng/tấn vào năm 2021. Cùng với đó, bình quân giá than cốc và thép phế cả năm sẽ tăng lên 135 USD/tấn (tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tăng 3%) trong năm 2021.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng thị trường thép nội địa nửa đầu năm 2020, các nhà sản xuất thép lớn với khả năng quyết định giá, sở hữu tài chính tốt và lợi thế sản xuất theo quy mô đã nắm bắt cơ hội này để giành lấy thị phần.
Điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát ( mã HPG), nhà sản xuất thép lớn nhất trong nước đã gia tăng thị phần thép xây dựng từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,6% trong 9 tháng năm 2020. Giới phân tích tin rằng, HPG sẽ là nhân tố chính thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành thép Việt Nam trong dài hạn. Ước tính thị phần thép xây dựng của HPG sẽ tăng lên mức 35% trong năm 2021 từ mức chỉ 32% của năm 2020.
Ngành xi măng Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu
Trước năm 2009, tình trạng xi măng Việt Nam thiếu hụt nguồn cung thường xuyên xảy ra do năng lực sản xuất còn thấp trong khi nhu cầu liên tục tăng cao nhờ sự bùng nổ của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc mở rộng công suất lớn trong một thập kỷ tiếp theo cùng với sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản từ năm 2010 - 2013 đã dẫn đến tình trạng dư cung xi măng trong nước. VNDirect cho rằng, cân bằng cung - cầu của ngành xi măng phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu, do đó doanh thu và hiệu quả sinh lời của các doanh nghiệp nội địa chịu nhiều ảnh hưởng bởi khả năng thúc đẩy và duy trì sản lượng xuất khẩu.
Mặt khác, Việt Nam là nhà sản xuất xi măng lớn thứ 5 thế giới và lớn nhất Đông Nam Á tính trên năng lực sản xuất (khoảng 120 triệu tấn/năm), thì năng lực sản xuất trên mỗi nhà máy vẫn chưa bằng một nửa so với các nhà máy của Thái Lan và Indonesia, chỉ đạt 2,1 triệu tấn/năm/nhà máy.
Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, công suất bình quân mỗi doanh nghiệp là 2,2 triệu tấn/năm - mức thấp nhất trong khu vực. Hiện tại, gần 70% dây chuyền sản xuất xi măng tại Việt Nam có công suất nhỏ hơn 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành.
Theo ước tính của VNDirect, quy mô tối thiểu để một nhà máy xi măng đạt được hiệu quả kinh tế là 2 triệu tấn/năm và mỗi doanh nghiệp phải có công suất tối thiểu 5 - 10 triệu tấn/năm để đảm bảo hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tiết kiệm chi phí.
Như vậy, việc thiếu hiệu quả sản xuất theo quy mô và tình trạng dư cung kéo dài là những lý do chính hạn chế khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam gần đầy đã tích cực nâng các rào cản gia nhập ngành xi măng, đặc biệt chỉ cấp phép cho những dự án lớn (trên 2 triệu tấn/năm) nhằm giảm bớt tình trạng phân mảnh của thị trường. Trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ xi măng được dự báo có thể sẽ tăng 3 - 5% nhờ sự hồi phục trở lại của nền kinh tế và việc đẩy mạnh đầu tư công.
Đá xây dựng sẽ bùng nổ
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tổng nhu cầu đá xây dựng cả nước trong năm 2020 ước tính đạt 181 triệu m3. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại các tỉnh Đông Nam Bộ được dự báo sẽ tăng mạnh nhất.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa là một trong những động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành xây dựng nói chung và ngành đá xây dựng nói riêng. Bên cạnh đó, với dòng vốn đầu tư FDI dồi dào cùng đà tăng trưởng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng trên cả nước. Đồng thời, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến metro… cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đây sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp ngành đá xây dựng. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ sở hữu lợi thế và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, nhựa đường thường được huy động trong giai đoạn sau của các dự án xây dựng cầu đường nên giới phân tích kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành nhựa đường sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong năm 2021 - 2022. Đặc biệt, những doanh nghiệp có vị thế tốt sẽ giành được các hợp đồng trong làn sóng đầu tư công mạnh mẽ tới đây nhờ vào hệ thống nhà kho lớn, phân bổ rộng khắp và vị thế dẫn đầu thị trường…/.
Nguồn: https://reatimes.vn/trien-vong-tich-cuc-nganh-vat-lieu-xay-dung-2021-20201224000001585.html