Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước và các nhà thầu xây dựng đang tranh cãi nảy lửa, về việc giá thép trong nước tăng tới 40% chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021.

Giá thép tăng 40% trong quý I/2021.
Giá thép tăng 40% trong quý I/2021.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), giá thép phi 6 Việt Mỹ trong tháng 4/2021 được bán với giá 18.370 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2020. Tương tự, các loại giá thép thành phẩm khác cũng tăng 30% - 40%.

Theo lý giải của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sở dĩ giá thép trong nước tăng chóng mặt trong thời gian qua, do nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép, nhất là quặng sắt, phôi thép đang tăng rất mạnh trên thị trường thế giới.

Đồng thời, do các tác động của đại dịch Covid-19, khiến quá trình vận chuyển  các nguyên liệu đầu nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng cộng hưởng cho giá thép trong nước lên cao.

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, không chỉ thép, nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, sỏi, xi-măng, gạch, đá,... cũng đang tăng như “lên đồng” kể từ đầu năm 2021 tới nay.

Riêng giá xi-măng trong nước đang tăng từng ngày, từng giờ. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, giá xi-măng đã tăng 15% - 20%, tùy loại. Cụ thể, xi-măng Long Sơn, Hoàng Long đã tăng lên 40.000 đồng/tấn, xi-măng Hoàng Thạch từ 1,2 - 1,55 triệu đồng/tấn; xi-măng Phúc Sơn từ 1,37 - 142 triệu đồng/tấn;...

Xi-măng cũng tăng giá mạnh.
Xi-măng cũng tăng giá mạnh.

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết: Giá xi-măng tăng  bởi chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi-măng như than, điện, xăng dầu, thạch cao, các loại phụ gia, vỏ bao, giá cước vận chuyển và giá nhân công liên tục tăng giá.

Hiện tại, giá xi măng đến tay người tiêu dùng tại khu vực phía bắc dao động từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng/ tấn, tại khu vực miền Nam giá bán từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/ tấn sản phẩm. Lý giải về tình trạng giá xi măng tại khu vực miền Nam cao hơn miền Bắc theo ông Long là do sản xuất tại chỗ của miền Nam không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Mỗi năm phải chuyển từ miền Bắc vào miền Nam khoảng 15 đến 16 triệu tấn xi măng.

“Sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường cùng với việc phải chịu cước phí vận chuyển cao từ Bắc vào Nam nên giá xi măng tại miền Nam cao hơn là điều dễ hiểu”, ông Lương Đức Long phân tích.

Tương tự, cát sỏi xây dựng cũng tăng giá mạnh ở hầu khắp các tỉnh, thành nhất là các địa phương có nhiều sông ngòi, địa điểm khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long… 

Cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp muốn mua số lượng lớn hay ít đều phải đặt hàng trước, có khi phải đặt trước cả tháng.

Trong khi đó, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Việc nguyên vật liệu xây dựng tăng giá, nhất là giá thép, đã khiến tổng chi phí xây dựng đội thêm 40% - 50%.

“Trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, nếu Chính phủ không có giải pháp nhằm ngăn đà tăng của vật liệu xây dựng, chắc chắn các nhà thầu chỉ còn nước nộp đơn phá sản”, ông Cận nói.

Bàn về giải pháp, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: Giá vật liệu xây dựng leo thang, một phần là do di chứng của đại dịch Covid-19 kéo dài. Đồng thời, một phần là do nhu cầu xây dựng trong nước, nhất là các dự án công đang phát triển tốt, cũng đẩy giá vật liệu xây dựng tăng.

Do đó, các nhà thầu nhận các dự án khoán tổng vốn, nếu không thương thảo được, chắc chắn lỗ nặng: “Vì vậy, cả hai bên nhà thầu, và chủ đầu tư phải hết sức thận trọng và nên có những cam kết nếu giá vật liệu tăng vọt,...”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Theo congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/thep-khong-co-don-hang-loat-vat-lieu-xay-dung-cung-tang-thang-dung-post131090.html