Giá xăng dầu thế giới hôm nay

Tính đến đầu giờ sáng ngày 21/5, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2021 đứng ở mức 62,27 USD/thùng, tăng 0,53% tương ứng với 0,33 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm ngày 20/5, giá dầu WTI giao tháng 7/2021 đã giảm 1,00 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2021 đứng ở mức 65,34 USD/thùng, tăng 0,63% tương ứng với 0,41 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 1,21 USD so với cùng thời điểm ngày 20/5.

Giá xăng dầu hôm nay 21/5
Ảnh minh họa.

Giá dầu thô giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/5), đánh dấu ngày thứ 3 trượt giá liên tiếp, sau khi các nhà ngoại giao cho biết đã đạt được tiến bộ đối với một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, điều này có thể thúc đẩy nguồn cung dầu thô.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 2,3% xuống 65,11 USD/thùng. Giá dầu thô WTI cũng giảm 2,1% xuống 62,05 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày hôm trước.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ, vận tải biển, hóa dầu, bảo hiểm và ngân hàng trung ương đã được xử lý trong các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cho biết thành công không được đảm bảo và các vấn đề rất khó khăn vẫn còn tồn tại, trong khi một quan chức cấp cao của Iran mâu thuẫn với tổng thống, theo Reuters.

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và ít nhất một nhà máy lọc dầu châu Âu đang đánh giá lại việc mua dầu thô của họ để nhường chỗ cho dầu Iran trong nửa cuối năm nay, với dự đoán rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được dỡ bỏ, các nhà lãnh đạo trong công ty và nhiều nguồn tin thương mại cho biết.

Mặt khác, đà tăng của giá dầu hôm nay 21/5 vẫn tiếp tục bị kìm hãm bởi "bóng đen" Covid-19: lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trong đó có dầu thô, ở khu vực châu Á sẽ giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát như Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam...

Lo ngại lạm phát gia tăng cũng khiến nhu cầu nắm giữ các tài sản rủi ro như dầu thô của giới đầu tư giảm.

Ngoài ra, giá dầu thô duy trì đà giảm còn do tâm lý lạc quan về việc các nước châu Âu và một số quốc gia khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... lên kế hoạch mở cửa cho ngành du lịch, nhưng giới đầu tư lo ngại, việc mở cửa này sẽ không mang lại hiệu quả quá cao bởi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại nhiều quốc gia vẫn ở mức thấp và khả năng tài chính của người dân cũng bị thắt chặt đáng kể sau 2 năm vật lộn với dịch bệnh.

Trong diễn biến mới nhất, giới đầu tư cũng đang quan ngại khả năng FED sẽ sớm có sự điều chỉnh chính sách để chống lạm phát cũng đang tạo những rào cản nhất định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ, qua đó cũng tác động không nhỏ đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô.

Hiện FED đang duy trì mức lãi suất cơ bản đồng USD ở mức 0-0,25%. Mức lãi suất này được FED dự báo sẽ giữ đến hết năm 2023. Nhưng với những diễn biến trong thời gian gần đây, đặc biệt là biên bản cuộc họp gần nhất của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), một số nhà hoạch định chính sách gợi ý nên bắt đầu thu hẹp việc mua tài sản khi kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi, giới đầu tư nhận định FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 9/2022.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay

Chiều ngày 12/5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 18.426 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 19.531 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 14.774 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 13.825 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.279 đồng/kg.

Theo Thu Thảo/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/gia-xang-dau-hom-nay-21-5-phuc-hoi-sau-khi-giam-hon-2--20201231000002256.html