Nên mở rộng đối tượng được giảm thuế VAT 2%

PV: Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có công văn đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Dưới góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông có nhìn nhận như thế nào về đề xuất này?

TS. Nguyễn Minh Phong: Đề xuất giảm thuế VAT là một động thái không mới vì chúng ta đã làm mấy năm nay. Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. 

Vì vậy, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 là đang thể hiện sự nhất quán của xu hướng nới lỏng chính sách điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hậu Covid-19.

Sau thời gian dài chống chịu với đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cả nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh không tránh khỏi gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 8,2%, kim ngạch nhập khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động hoặc rút khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% thêm 6 tháng đầu năm 2024 là cần thiết để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước. Khi tổng cầu tăng sẽ kéo theo tổng cung tăng do doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hoá sản xuất ra. Từ đó, đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế.

Đồng thời, chính sách cũng góp phần tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, cho thấy sự quan tâm, đồng hành hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh khó khăn.

Việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 là đang thể hiện sự nhất quán của xu hướng nới lỏng chính sách điều hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hậu Covid-19. (Ảnh: Độc Lập/Thanh Niên)

PV: Trong đề xuất của Bộ Tài chính, nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… sẽ không được giảm thuế VAT 2%. 

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, nên cho phép nhóm hàng hoá, dịch vụ này được giảm thuế, bởi đây cũng là nhóm đối tượng có vai trò quan trọng với nền kinh tế nhưng đang gặp nhiều khó khăn suốt thời gian qua. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi đồng tình với quan điểm này. Đây là một đề nghị theo hướng tốt, phù hợp cho tất cả các lĩnh vực trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.

Từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản nước ta đã chứng kiến đà suy giảm nghiêm trọng, từ thanh khoản đến nguồn cung, nguồn cầu và cả tâm lý nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này đã lao đao và “rơi rụng” rất nhiều.

Trong khi đó, bất động sản lại là lĩnh vực có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành, nghề khác trong nền kinh tế như xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ, tài chính – ngân hàng…

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỷ đồng, lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng…

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%: GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%; tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366%; du lịch giảm 0,352%; dịch vụ khác giảm 0,348%...

"Không có lý do gì mà những nhóm hàng hoá, dịch vụ khác được giảm VAT, trong khi đó, bất động sản với vai trò quan trọng lại không được giảm".

TS. Nguyễn Minh Phong

Vì vậy, không có lý do gì mà những nhóm hàng hoá, dịch vụ khác được giảm VAT, trong khi đó, bất động sản với vai trò quan trọng lại không được giảm. Cũng cần phải hình dung rõ ràng, thuế VAT là thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ. Như vậy, giảm VAT cho bất động sản là đang trực tiếp giảm giá nhà cho người dân, chứ không phải giảm cho doanh nghiệp. Khi giá nhà giảm, người dân có nhu cầu mua sẽ quyết tâm mua hơn. Nói cách khác, chính sách sẽ kích cầu tiêu dùng, gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp bán được hàng.

Từ đầu năm 2023, Chính phủ đã quyết liệt và rốt ráo hơn trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua việc hạ lãi suất, nới room tín dụng, tháo gỡ khó khăn pháp lý, hoàn thiện các bộ luật quan trọng. Các chính sách này là rất cần thiết nhưng nhìn nhận một cách khách quan, các chính sách đưa ra chỉ mới ở phía cung, phía các doanh nghiệp mà chưa chú tâm đến người dân, khách hàng - tức là phía cầu.

Trong khi đó, để thị trường lấy lại được “sức lực” thì cần phải hồi phục từ hai phía là cả cung và cầu. Vì vậy, việc giảm thuế VAT 2% sẽ là chính sách thích hợp để hỗ trợ phía cầu cho lĩnh vực bất động sản.

Giảm nguồn thu ngắn hạn nhưng nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn

PV: Như ông nói, việc mở rộng nhóm đối tượng giảm thuế VAT 2% là cần thiết trong bối cảnh tất cả các ngành đều khó khăn chung. Tuy nhiên, điều này có ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nướchay không, thưa ông?

TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tính toán của Bộ Tài chính, giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 cho nhóm đối tượng đã được quy định dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Nếu mở rộng đối tượng áp dụng, nguồn thu ngân sách nhà nước có thể sẽ giảm nhiều hơn.

Tuy nhiên, nó sẽ chỉ giảm trong ngắn hạn, còn về cơ bản ngân sách năm 2024 vẫn có thể tăng do quy mô nền kinh tế được tăng nên nhờ các tín hiệu phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

"Mục đích quan trọng của chính sách giảm VAT 2% là để “khoan sức dân”, kích cầu tiêu dùng nhằm đem lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của người dân, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn".

TS. Nguyễn Minh Phong

Bởi mục đích quan trọng của chính sách giảm VAT 2% là để “khoan sức dân”, kích cầu tiêu dùng nhằm đem lại sự tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao đời sống của người dân, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu trung và dài hạn.

Hiện nay, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những giải pháp trọng tâm.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế. Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Vì vậy, tôi cho là không đáng lo ngại trong việc giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khi thuế VAT giảm 2%, kể cả là áp dụng cho tất cả đối tượng.

PV: Từ kinh nghiệm của lần giảm 2% thuế VAT trong năm 2022 và năm 2023, theo ông, cần làm gì để việc thực hiện chính sách lần này hiệu quả hơn?

TS. Nguyễn Minh Phong: Dựa trên kinh nghiệm của những lần giảm thuế VAT trước đó, để thực hiện chính sách giảm thuế lần này thực sự hiệu quả, tôi cho rằng, Chính phủ cần đảm bảo thông tin về việc giảm thuế và các quy định liên quan được công bố rõ ràng để doanh nghiệp và người dân hiểu và dễ dàng thực hiện.

Theo ghi nhận Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, các doanh nghiệp đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng trên thực tế việc phân loại hàng hóa, dịch vụ áp dụng các mức thuế suất vẫn còn nhiều lúng túng.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số doanh nghiệp đi hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Reatimes)

Vì vậy, việc đảm bảo thông tin về giảm thuế và các quy định liên quan được công bố rõ ràng là rất cần thiết. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng này, tôi cho rằng, thực sự nên cân nhắc phương án giảm thuế VAT từ mức 10% xuống mức 8% cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Điều này vừa đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, lại dễ áp dụng khi triển khai.

Đối với cơ quan thuế, cần có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi thực hiện. Đồng thời, quản lý thuế và kiểm tra thuế cần được cải thiện để đảm bảo tính công bằng và tránh tình trạng lạm dụng, tránh tình trạng không đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Cuối cùng là việc theo dõi và đánh giá kết quả của chính sách giảm thuế để nhằm điều chỉnh và cải thiện hiệu quả trong những lần tiếp theo.

Cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ tiếp cận

PV: Quan sát tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp từ nay tới cuối năm? Theo ông, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thuế như trên, cần thêm những giải pháp gì cho doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình hồi phục?

TS. Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn từ quý IV/2023, đà hồi phục sẽ tích cực hơn, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn cả ba quý trước đó. Nhưng khả năng cao là không đạt được kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,5% đề ra. Có lẽ, trên dưới 6% sẽ thực tế hơn.

Để đẩy nhanh quá trình hồi phục, bên cạnh giảm thuế VAT 2%, vẫn cần thực hiện nhiều giải pháp khác để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Một trong số đó là tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thuế VAT nhanh chóng cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp “kêu cứu” về việc bị chậm hoàn thuế giá trị gia tăng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp nộp thuế đầu vào đương nhiên phải được hoàn thuế đầu ra. Đây là nghĩa vụ của Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp đang xin xỏ.

PV: Với riêng lĩnh vực bất động sản, cần có những hỗ trợ như thế nàothưa ông? 

TS. Nguyễn Minh Phong: Đối với thị trường bất động sản, có lẽ phải đến quý I hoặc quý II năm sau mới rõ hơn các dấu hiệu hồi phục. Từ nay đến cuối năm vẫn sẽ là thời gian chạy đà để vượt qua khó khăn.

Thật ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đốc thúc rất nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường này. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hiện nay theo tôi vẫn là giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động tốt nhưng lãi suất cho vay vẫn ở ngưỡng cao. Nên giải pháp quan trọng là phải hạ lãi suất cho vay xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, hài hoà lợi ích. Bản chất các ngân hàng để lãi suất cho vay cao, không cho vay được dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp thì ngân hàng cũng chết. Vì vậy, nên cân đối lại lãi suất cho vay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, hạn chế được tình trạng “ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp thiếu vốn”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hà Thương/Đô Thị Mới

Nguồn: https://reatimes.vn/giam-thue-vat-2-khoan-suc-dan-de-nuoi-duong-nguon-thu-20201224000023359.html