Sau khi Uber chịu rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á và để Grab độc quyền trong thị trường gọi xe công nghệ thì số tài xế của Uber đầu quân sang cho Grab không phải là ít.
Grab cũng không hẳn giữ thế độc tôn trong làng gọi xe trực tuyến nữa khi có rất nhiều "măng non" mọc lên như T.NET, VATO, Mai Linh… Những hãng này mặc dù không thể sánh kịp "bậc lão làng" như Grab nhưng cũng sẻ chia không ít thị phần trên 90 triệu dân như ở Việt Nam.
Grab nói riêng và các hãng taxi công nghệ nói chung không chỉ phải mang lại những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng mà còn phải đối chọi với lực lượng taxi truyền thống đang rất hùng hậu.
Đó là những lời cay nghiệt lên án cho rằng Grab làm phá vỡ quy hoạch giao thông, gây kẹt xe ở Việt Nam cho đến hàng trăm xe ôm công nghệ bị xe ôm truyền thống hành hung; cho đến công cuộc “cách mạng” cho những tài xế chưa hề tiếp xúc với công nghệ và điện thoại thông minh.
Từ giữa năm ngoái đến nay, Hiệp hội taxi cả ba miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM đã liên tục gửi những lá thư kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, đề xuất việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn sự thâu tóm của các hãng taxi công nghệ như Grab.
Bình luận về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, GS. Annie Koh, Phó chủ tịch Đại học kinh doanh Singapore cho rằng, các doanh nghiệp truyền thống phải nhận thức được rằng, trong thời đại công nghệ đang len lỏi tới tất cả ngõ ngách trong cuộc sống, ứng dụng công nghệ là con đường duy nhất để tồn tại và vững vàng bước tiếp.
Bà Annie Koh cho biết, tại Singapore Uber đã rút nhưng không có nghĩa là Grab sẽ chiếm thế độc quyền vì họ vẫn đang phải cạnh tranh với chính các hãng taxi trong nước là Comfort và CityCab khi các hãng này nhận thức được cần phải đổi mới để ứng dụng công nghệ và thoát khỏi cái mác của một hãng taxi truyền thống đơn thuần.
"Các hãng taxi truyền thống ở Singapore nhận ra rằng chính công nghệ đã khiến cho Grab trở nên vô cùng hấp dẫn; vì vậy họ đã đổi mới nhanh chóng để có thể tạo được sức hút cho riêng mình và cũng để sẵn sàng đối đầu với các hãng xe công nghệ khác đang muốn tiến vào thị trường Singapore", bà Annie Koh nói.
Bà Koh cho rằng, nếu cứ giữ mãi suy nghĩ các công ty công nghệ tiến vào thị trường để cướp thị phần thì thật là lạc hậu và bảo thủ, phải lấy đó làm động lực để đổi mới và cạnh tranh lành mạnh mới tồn tại được trong thị trường khốc liệt này.
Bằng chứng là các quốc gia Đông Nam Á đang mở rộng vòng tay chào đón những tay chơi mới vào đường băng, như GoJek của Indonesia đang thâm nhập và muốn đối đầu với Grab ở nhiều nước trong khu vực. Chính điều này sẽ mang lại những giá trị và nguồn lợi lớn cho các doanh nghiệp và cho cả khách hàng.
"Vì vậy, để lên tiếng bảo vệ taxi truyền thống thì có nghĩa là bạn đang đi thụt lùi với thời đại và những hãng xe này sớm muộn gì cũng sẽ dần bị đào thải khỏi thị trường", bà Annie Koh nhận định.
Cũng theo bà Annie Koh, hiện nay, Chính phủ các nước cũng đã nhận ra rằng việc bảo hộ không hề giúp đất nước đi lên mà ngược lại đang kéo đất nước đi thụt lùi.
"Ở Singapore, chúng tôi không đưa ra quy định chống cạnh tranh giữa các hãng xe truyền thống và hiện đại, chúng tôi để thị trường tự quyết định. Singapore là một nước nhỏ, nếu không cố gắng để cạnh tranh, bạn sẽ không thể tồn tại", vị chuyên gia đến từ Singapore cho hay.
Bà Annie Koh cũng nhận định thêm, thực tế hiện nay vẫn còn những doanh nghiệp tư nhân đang cố gắng tấn công và làm gián đoạn thị trường. Vì vậy, để có được một sự phát triển bền vững, Chính phủ và các doanh nghiệp cần ngồi lại và bàn bạc về sự hợp tác công - tư theo để đưa công nghệ vào các dịch vụ giúp cho các bên có thể cùng tồn tại.
"Chúng ta không thể chỉ nói về công nghệ mà phải coi đây là việc hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân. Rất nhiều công ty của chúng tôi đang xem xét những nền tảng công nghệ khác nhau; tuy nhiên, họ phải nghĩ xem ngành công nghiệp truyền thống sẽ chuyển đổi bằng cách nào và khi chuyển đổi thì phải tìm cách hướng dẫn cho người lái taxi truyền thống cách dùng ứng dụng.
Dù là bằng cách nào đi chăng nữa thì rõ ràng, việc đổi mới và ứng dụng công nghệ để mang đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất vẫn là yếu tố cốt lõi cho sự tồn vong của các hãng taxi trong bối cảnh công nghệ đang bùng nổ như hiện nay", bà Annie Koh cho biết.