Câu chuyện nước sạch ở chung cư vẫn là nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều chung cư. Đây cũng là một trong những nguyên dân dẫn đến những mẫu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân.

Được biết, trong năm 2016, trước những bức xúc của cư dân, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội với tổng số mẫu là 196 mẫu (trong đó, 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình). Kết quả cho thấy, nhiều mẫu nước được kiểm nghiệm không đạt các chỉ tiêu chất lượng để cung cấp cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã lấy mẫu và giám sát vệ sinh, chất lượng nước sinh hoạt tại 120 khu nhà chung cư, tập thể với kết quả cho thấy, 67/120 tòa nhà chung cư, tập thể có kết quả xét nghiệm chất lượng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu hóa học, vi sinh với chỉ tiêu như asen, pecmanganat, amoni, sắt, nitrit… đều vượt ngưỡng cho phép.

Tiếptheo,trong năm 2017, điểm mặt có không ít những chung cư xảy ra thực trạng nước sinh hoạt thường xuyên xuất hiện màu sẫm, đục, vấn bẩn và không đạt tiêu chuẩn sử dụng. Điển hình như cụm chung cư CT5, CT6 (KĐT mới Tứ Hiệp, HồngHà Eco City thuộc Khu đô thị Hồng Hà Eco City, Thanh Hà Cienco 5, NƠ 7 Linh Đàm, chung cư 15T1 Minh Khai,…

Người dân khu đô thị Hồng Hà Eco City (Thanh Trì, Hà Nội) đang phải sử dụng nước sinh hoạt ô nhiễm vàng khè (Nguồn ảnh: Tiền Phong)

Người dân khu đô thị Hồng Hà Eco City đang phải sử dụng nước sinh hoạt ô nhiễm (Nguồn ảnh: Tiền Phong)

Trước thực trạng này, mới đây Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu sẽ thanh tra toàn bộ bể nước sinh hoạt của tất cả các khu nhà chung cư, cơ sở cấp nước trên địa bàn.

Sở Y tế sẽ tập trung kiểm tra chất lượng nước của các nhà chung cư, bể chứa nước trung gian, bể bơi hoạt động trên địa bàn Hà Nội để đảm bảo đảm bảo chất lượng nước uống, nước sinh hoạt cung cấp cho người dân.

Cụ thể, Sở Y tế chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế hơn 1.000m3/ngày đêm với tần suất tối thiểu 2 lần/năm.

Kiểm tra vệ sinh, công tác nội kiểm và chất lượng nước tại các cơ sở cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm, tối thiểu 1 lần/năm.

Việc kiểm tra của Sở sẽ lập kế hoạch thanh tra định kỳ và đột xuất vào các khu cơ sở cấp nước, bể chứa nước tại các trạm bơm tăng áp, nhà chung cư đã đưa vào hoạt động, mỗi trạm bơm tăng áp, khu chung cư hoặc chung cư độc lập, tối thiểu kiểm tra 1 lần/năm.

Đặc biệt sẽ kiểm tra đột xuất những đơn vị xảy ra sự cố môi trường, đơn vị nằm trong diện nghi ngờ về nguồn nước, chất lượng nước sinh hoạt trong địa bàn Hà Nội để kịp thời xử lý.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho Thủ đô hiện nay chủ yếu là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nước cung cấp cho người dân không đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.

Để giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước về lâu dài, thiết nghĩ Hà Nội cần có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước bằng cách kiểm soát lượng nước thải từ các nhà máy, bệnh viện, chất thải, nước thải sinh hoạt.

Riêng đối với hệ thống sông ngòi, cần phải nạo vét, làm trong nguồn nước chảy qua. Để làm được việc này, không phải là vấn đề một sớm một chiều, mà nó đòi hỏi cần phải có một chiến lược lâu dài và sự đóng góp công sức của toàn xã hội.

Chia sẻ với Reatimes,luật sư Nguyễn Thanh Tùng, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay: “Cư dân là những người bỏ tiền để sử dụng dịch vụ, người dân có quyền đòi hỏi được dùng nước sạch.

Theo đó, nếu trong quá trình sinh sống tại tòa nhà xảy ra tình trạng nước nhiễm bẩn, gây tác hại tới sức khỏe của cư dân thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý để cung cấp nước sạch. Trong trường hợp chủ đầu tư chây ỳ, lâu không xử lý thì cần có sự vào cuộc của Hội bảo vệ người tiêu dùng, luật sư để bảo vệ quyền lợi của cư dân”.

Theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, thì đối tượng sử dụng nước là: Các hộ gia đình tại các khu dân cư, các khu chung cư sử dụng nước với mục đích sinh hoạt; Sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Vì vậy, để được hưởng quyền mua nước với giá quy định, nhiều hộ dân tại Center Point đang phải chạy đôn, chạy đáo để có được chứng nhận tạm trú hoặc sổ đỏ căn hộ.

 

Theo Reatimes.vn