Chiều 10/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì, họp với UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo các sở, ngành Thành phố và quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Báo cáo tại hội nghị về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án phục vụ nhu cầu cung cấp hàng hoá cho người dân theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 đảm bảo". Đối với nguồn hàng, giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng. Đồng thời, dự trữ nguồn hàng hỗ trợ cho các tỉnh lân cận; xây dựng phương án đảm bảo hàng hoá cho các khu cách ly. 

Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã chấp hành nghiêm việc dự trữ hàng hoá theo chỉ đạo TP và sẵn sàng phục vụ Nhân dân trong mọi tình huống. 100% địa phương xây dựng việc dự trữ hàng hoá đảm bảo cung cấp cho người dân. Ngoài ra, có 236 xe của các quận huyện cùng với các doanh nghiệp sẵn sàng ứng trực 24/24 để đảm bảo cung ứng hàng hoá. Sở cũng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng của 53 tỉnh, thành phố để đảm bảo phục vụ nhu cầu cung ứng hàng hoá cho người dân.

Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa chống dịch Covid 19 trong mọi tình huống
Hà Nội đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống

Theo đó, Lãnh đạo Sở Công thương nhấn mạnh, nguồn hàng TP dồi dào, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá; người dân không cần phải tích trữ. Đồng thời, kiến nghị, trong trường hợp dịch bùng phát mạnh thì đối với các xe vận chuyển hàng hoá chỉ cần Sở lập danh sách gửi Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố kích hoạt để hoạt động ngay mà không cần xin phép UBND TP.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 5/5 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp PCD Covid-19 trong tình hình mới, ngành Công Thương thủ đô đã phải tăng cường công tác quản lý, tránh đầu cơ, thổi giá; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả hàng nhái, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc): 5.359,05 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 409,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng mạnh 30,92% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 21,1%) do tháng 4/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội để chống sự lây lan của dịch bệnh Covid 19, hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2020 giảm 7,76%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng ước tính đạt 1.352,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,3%).

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-dam-bao-cung-ung-du-hang-hoa-trong-moi-tinh-huong-20201231000002020.html