Tăng tốc độ cải tạo các chung cư cũ
Theo quyết định trên, Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về kết quả thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn thành phố; xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
Rà soát, đánh giá sự phù hợp kết quả kiểm định của các nhà chung cư cũ (đã thực hiện) so với thực tế hiện trạng và quy định hiện hành; rà soát danh mục các chung cư cũ chưa có trong danh mục hoặc đã có nhưng thông tin chưa chính xác hoặc chưa đúng đối tượng theo đề nghị UBND quận, huyện.
Tổ chức xem xét, đánh giá và tham mưu cho UBND thành phố phê duyệt bổ sung, điều chỉnh danh mục (nếu có); tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định của các đơn vị theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan, trước khi kết luận kiểm định được ban hành theo quy định.
Đặc biệt, Hội đồng này có quyền yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các cơ quan, tổ chức có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động của Hội đồng; Hoặc chủ trì, yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan, tổ chức liên quan giải quyết các vấn đề tồn tại hoặc xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh được Hội đồng phát hiện trong quá trình thẩm định, định giá công tác kiểm định.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Dự kiến, tiến độ rà soát, lập danh mục xong trong tháng 2/2022; trong đó sẽ xác định lộ trình lập quy hoạch theo thứ tự ưu tiên giai đoạn 2022 - 2023 và các năm tiếp theo; xác định danh mục các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được phân theo 4 giai đoạn tương đối cụ thể, chi tiết với những khu, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập.
Đẩy mạnh tiến trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo đánh giá, Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, trong đó xác định rõ việc lập, phê duyệt kế hoạch cho đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư..., được kỳ vọng đẩy mạnh tiến trình đã ách tắc nhiều năm qua.
Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn trả (không thu tiền) diện tích căn hộ tái định cư tại chỗ với hệ số k = 1 so với diện tích hợp pháp của căn hộ cũ. Trường hợp tái định cư tại chỗ có diện tích lớn hơn thì chủ sở hữu phải trả tiền mua diện tích tăng thêm với giá thành xây lắp cộng 10% lợi nhuận định mức cho nhà đầu tư.
Hộ dân ở tầng một được thuê diện tích kinh doanh tại khu vực dịch vụ của dự án. Hộ dân có quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở hợp pháp nếu tái định cư tại chỗ bằng nhà và đất ở thì được áp dụng hệ số k = 1. Hộ dân thuộc các dự án trong khu vực bốn quận nội thành cũ nếu di chuyển ra ngoài vành đai 3 được áp dụng hệ số k gấp hai lần so với tái định cư tại chỗ.
Cũng theo đề xuất của Hà Nội, cơ chế tài chính được xác định trên cơ sở đặc thù của từng dự án. Trường hợp không tự cân đối tài chính thì nhà đầu tư được xem xét, bố trí dự án khác để bù đắp tài chính khi thực hiện dự án.
Còn đối với nhà chung cư cũ độc lập, việc phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp quận xem xét lập kế hoạch và tổ chức thực hiện cải tạo, xây dựng mới sẽ đẩy nhanh được tiến độ cũng như theo dõi, giám sát tốt hơn việc chủ đầu tư xây dựng nhà ở đồng bộ với hạ tầng theo quy hoạch; đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp chính quyền trong việc cải thiện nhà ở cho người dân.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Xây dựng từng cho biết, nút thắt nan giải nhất dẫn tới sự chậm trễ trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ từ trước đến nay là tỷ lệ đồng thuận của người dân. Nhưng với sự ra đời của Nghị định số 69, những nút thắt này sẽ được tháo gỡ. Bởi khi xây dựng nhà chung cư cũ sẽ xây dựng đồng bộ cả quần thể một khu. Do đó, những tòa nhà chưa nhận được sự đồng thuận 100% vẫn có thể triển khai, song thời điểm thực hiện chậm hơn. Quy định trên là để đảm bảo việc triển khai đồng bộ với quy hoạch và kiến trúc.
Trước đó, TP đã đề xuất bổ sung hai tiêu chí để đưa chung cư cũ vào kế hoạch cải tạo, xây dựng mới, gồm chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng và chung cư cũ có hạ tầng quá tải, không đáp ứng về điều kiện vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Về quy hoạch, thành phố giao nhà đầu tư đủ điều kiện tự bỏ kinh phí thuê đơn vị tư vấn (khuyến khích tư vấn nước ngoài) nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể toàn khu theo hướng giảm tối đa mật độ xây dựng và tăng tối đa chiều cao để tăng tối đa diện tích và không gian (kể cả công trình ngầm) sử dụng vào mục đích công cộng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và gắn kết với khu vực. Đối với nhà nguy hiểm cấp độ D nằm trong các khu cho phép Hà Nội phá dỡ và xây dựng lại trước, sau đó sẽ cập nhật quy hoạch vào toàn khu.
Sau khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và Kế hoạch cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ được phê duyệt, thành phố giao sở, ngành xây dựng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư để kêu gọi, lựa chọn chủ đầu tư đủ điều kiện năng lực thực hiện đồng bộ toàn khu.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-danh-gia-cong-tac-kiem-dinh-tang-toc-do-cai-tao-cac-chung-cu-cu-20201231000006588.html