Cụ thể, được biết, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với một số địa phương về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng phát triển nhà ở xã hội; việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo đó, với các chính sách đã ban hành, kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay các cơ chế đã rất mở với các nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ như: miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ 2% lãi suất ngân hàng... để chủ đầu tư sớm thu hồi vốn. Đặc biệt, trường hợp gom nhà chung cư theo quy hoạch, chủ đầu tư được hưởng ưu đãi đất đai theo quy định của Nghị định 69. Nếu không cân đối được hiệu quả tài chính, UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng quyết định miễn tiền sử dụng đất, cho thuê đất mục đích để đảm bảo hiệu quả tài chính.
Ngoài ra, Nghị định 69 bổ sung thêm vấn đề về góp vốn, hợp tác, liên doanh, liên kết... Hướng chuyển tiếp Nghị định nêu rõ về hoạt động huy động vốn. Trong đó có gói tín dụng có ưu đãi lãi suất giảm 2% cho chủ đầu tư, 2% này nhà nước hỗ trợ cấp bù.
Cũng theo Bộ Xây dựng, ngày 11/01/2022, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Trong đó đã giao Chính phủ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và bố trí 2 gói hỗ trợ cho nhà ở xã hội gồm: Cho cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.
Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021.
Đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về nhà ở; khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn,...
Trước đó, theo VCCI, việc bắt buộc các nhà đầu tư phải cùng thành lập doanh nghiệp hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư thực hiện sẽ gặp tình trạng các nhà đầu tư không tìm được “tiếng nói chung” trong việc thành lập doanh nghiệp, phân chia quyền lợi, nghĩa vụ… Trong trường hợp các nhà đầu tư không thống nhất được các vấn đề này thì sẽ giải quyết như thế nào, có phải thực hiện đấu thầu lại để lựa chọn chủ đầu tư?
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định này và điều chỉnh để thống nhất với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Thêm nữa, về nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Dự thảo quy định “đối với trường hợp đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư mà quá 24 tháng kể từ thời điểm được lựa chọn mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án thì UBND cấp tỉnh thu hồi dự án và lựa chọn lại chủ đầu tư. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, VCCI cho rằng, quy định trên chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013. Vì, thời điểm xác định thời hạn vi phạm theo Dự thảo quy định là tính từ thời điểm chủ đầu tư được lựa chọn trong khi Luật Đất đai 2013 lại xác định là thời điểm “nhận bàn giao đất trên thực địa”.
Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án phải có ít nhất 70% số lượng chủ sở hữu có sở hữu diện tích sử dụng hợp pháp trên tổng diện tích sử dụng nhà chung cư, khu chung cư đó tham gia cho ý kiến và doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 75% số lượng chủ sở hữu đó đồng ý. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt việc lựa chọn chủ đầu tư và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tạm cư. Doanh nghiệp được lựa chọn là chủ đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì “chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư”… VCCI chia sẻ, quy định trên chưa hợp lý và chưa thực sự tạo thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục. Vì vậy, cần cân nhắc, điều chỉnh lại quy trình này.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đến thời điểm này, UBND thành phố đã giao cho 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn, đồng thời có giao bổ sung 2 khu chung cư cũ, nâng tổng số lên 30 khu.
Điển hình như Tập đoàn Sungroup tham gia 3 dự án là Khu tập thể Kim Liên với 42 nhà cao từ 2-6 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Bắc với 61 nhà cao 5 tầng; khu tập thể Thanh Xuân Nam với 8 nhà cao từ 3-5 tầng.
Tập đoàn FLC tham gia cải tạo khu tập thể Kim Giang, với số lượng 68 nhà cao 2-5 tầng; Tập đoàn T&T với hai khu thuộc tập thể Bách Khoa với 29 nhà cao 2-5 tầng và tập thể Đại học Thủy lợi với 12 nhà cao từ 2-5 tầng; Tập đoàn Geleximco "ôm" khu tập thể Khương Thượng với diện tích 14,8ha, 30 nhà chung cư cao từ 2-5 tầng.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng "ôm" 5 khu tập thể: Khu tập thể Ngọc Khánh có 58 nhà cao tầng từ 2-5 tầng; khu tập thể Giảng Võ có 22 nhà cao từ 3-5 tầng; khu tập thể Đường Sắt với 9 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể 60 Thổ Quan với 6 nhà cao từ 2-5 tầng; khu tập thể xí nghiệp xây lắp H24 với 10 nhà cao từ 2-5 tầng…
Trong khi Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi tên cải tạo khu tập thể Tân Mai với diện tích 20ha, 88 nhà cao từ 2-5 tầng; Công ty Cổ phần Địa ốc Sông Hồng cũng từng cải tạo chung cư 165 Thái Hà…
Theo một số chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp lớn bất động sản đều muốn tham gia cải tạo chung cư cũ của Hà Nội bởi hầu hết các tòa nhà này này đều có vị trí đắc địa, nằm tập trung ở các quận nội thành, trung tâm của thành phố.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tao-thuan-loi-cho-nha-dau-tu-ve-thu-tuc-cai-tao-chung-cu-cu-20201231000005263.html