Qua đó, cung ứng cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, TP và hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, 8 tháng đầu năm 2021, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt được nhiều tín hiệu khả quan, góp phần duy trì ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường Thủ đô.
Theo đó, diện tích sản xuất rau màu các loại 8 tháng lên tới 28.454ha, cung cấp khoảng 520.000 tấn rau màu các loại. Chăn nuôi không phát sinh dịch bệnh lớn; đàn trâu hiện có 27.200 con, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò 130.400 con (tăng 0,6%); đàn gia cầm 39,8 triệu con (tăng 0,4%)...
Chăn nuôi lợn phục hồi nhanh, thời điểm hiện tại, tổng đàn đã lên tới 1,37 triệu con (tăng 12,3%); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 8 tháng ước đạt 145.600 tấn (tăng 4,1%). Tăng trưởng trong lĩnh vực thủy sản cũng rất đáng ghi nhận với sản lượng đạt khoảng 73.800 tấn (tăng 2,9%).
Chia sẻ với PV, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc cung ứng nông sản, nhất là các loại rau xanh, thịt tươi sống... tại các “vùng đỏ” gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, các “vùng xanh” có lượng nông sản dồi dào, cung và cầu chưa được tạo điều kiện thuận lợi để gặp nhau.
Ngoài việc bán hàng tại các kênh quen thuộc như chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị, chợ dân sinh..., việc kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội đoàn thể dù là giải pháp tình thế nhưng mang lại hiệu quả cao trong thực tế. Qua sự hỗ trợ này, đã có hàng trăm tấn nông sản của các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Mê Linh, Hoài Đức được tiêu thụ nhanh chóng.
Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan, trong 8 tháng đầu năm, Hà Nội đã hỗ trợ 22 tỉnh, TP tiêu thụ nông sản, tổ chức kết nối tiêu thụ đa dạng; bảo đảm sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường...
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này đã khiến việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển, lưu thông hàng nông sản, thời gian qua, TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ tối đa hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lưu thông trên địa bàn. “TP. Hà Nội thường xuyên nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của DN sản xuất, phân phối; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu bị đứt gãy hay thiếu hàng hóa”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Với chương trình tiêu thụ nông sản của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cho rằng, chính quyền cấp huyện kết nối các cơ sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp tới chính quyền cấp quận để kết nối với hệ thống phân phối trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong đô thị, khu công nghiệp.
Các quận, huyện cần sáng tạo xây dựng các mô hình kết nối chặt chẽ, hình thành các chuỗi sản xuất cung cấp sản phẩm nông nghiệp bền chặt để tiếp tục phát triển lâu dài, hiệu quả sau dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian tới, song hành với các biện pháp hỗ trợ sản xuất hiệu quả, TP. Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện chở hàng hóa được lưu thông thuận lợi trên địa bàn. Qua đó, cung ứng cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, thành phố và hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.
Tiếp tục phát triển các hệ thống phân phối, phát triển các chuỗi, hạ tầng thương mại điện tử, hệ thống logistics... để hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm bền vững, giảm chi phí, kiềm chế lạm phát; đảm bảo điều phối cung ứng hàng hóa, điều tiết nguồn cung, không để dứt gãy chuỗi cung ứng.
Nhằm hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, TP. Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức kết nối tiêu thụ trên địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất và kích cầu tiêu dùng. Tăng cường kết nối tiêu thụ qua 35 sàn thương mại điện tử, 565 các hệ thống phân phối có hình thức kinh doanh thương mại điện tử. Triển khai các chương trình khuyến mại tập trung, sự kiện… để kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-kich-cau-tieu-dung-nhung-thang-cuoi-nam-260456.html