Về dự án “đất vàng” 148 Giảng Võ, ngày 7/7, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP. Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, khu đất này đã có chủ trương đầu tư chuyển đổi đầu tư làm trung tâm dịch vụ thương mại văn hóa được Chính phủ phê duyệt và gắn với chủ trương đầu tư trung tâm triển lãm, khu đô thị mới ở Đông Anh… Vừa qua, thành phố đã chấp thuận đầu tư với trung tâm hội chợ triển làm ở Đông Anh.
Đối với ô đất 148 Giảng Võ, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư với khoảng 10 tòa nhà chung cư trên ô đất 6,8ha. Mặc dù xác định ô đất này là điểm nhấn, song trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND, các bộ ngành, ý kiến dư luận, năm 2019 thành phố đã có quyết định thu hồi dự án để nghiên cứu một dự án phù hợp hơn.
Thời gian qua, dưới sự quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đang điều chỉnh lại quyết định đầu tư, chủ đầu tư cũng đã thống nhất không xây dựng 10 tòa nhà cao tầng và thay vào đó là khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cho phù hợp, hài hòa với việc cải tạo khu tập thể và hồ Giảng Võ. Từ đó, điều chỉnh lại quy mô phục vụ hoạt động cộng đồng.
Ông Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi các bước hoàn thành, thành phố sẽ tiến hành điều chỉnh quyết định đầu tư và chủ đầu tư cũng cam kết sẽ triển khai ngay.
Trao đổi với Reatimes về nội dung này, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Thứ nhất, phải khẳng định Hà Nội đã rất nhiều lần điều chỉnh các quy hoạch, kể cả quy hoạch chung, tổng thể, cũng như các quy hoạch dự án cục bộ, đặc biệt là các dự án xây dựng các khu chung cư.
Nhưng có thể nói lần điều chỉnh này là tích cực nhất từ trước đến nay, thay vì “nhồi” vào giữa nội đô những tòa nhà 50 tầng, có nguy cơ làm quá tải hạ tầng và dân số thì Hà Nội đã có sự điều chỉnh theo hướng chuyển thành trung tâm dịch vụ thương mại, khách sạn, văn phòng. Theo tôi đây là một sự điều chỉnh hợp lý theo hướng tích cực.
Nếu nói lần điều chỉnh này Hà Nội được và mất gì? Theo tôi, đối với doanh nghiệp họ sẽ mất nhiều hơn một chút bởi dự kiến ban đầu xây nhiều tòa chung cư, như vậy bán sẽ được nhiều tiền hơn. Bây giờ kế hoạch của họ sẽ có sự điều chỉnh, kể cả với đối tác của họ. Đó có thể gọi là mất từ phía doanh nghiệp. Về phía TP. Hà Nội, có thể nói là mất ở chỗ giảm bớt lượng cung về căn hộ chung cư trong bối cảnh nhu cầu đang cần rất nhiều. Đó là hai cái có thể gọi là mất”.
Lâu dài các bên sẽ được nhiều hơn mất
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, nhìn dài hạn thì có nhiều tín hiệu tích cực: “Theo tôi cả thành phố và doanh nghiệp được nhiều hơn khi nhìn dài hạn. Doanh nghiệp sẽ được hoan nghênh hơn bởi nếu tiếp tục theo hướng cũ, chắc chắn sự đồng thuận của xã hội, thiện cảm của người dân đối với doanh nghiệp không cao. Có thể nói ở đây doanh nghiệp đã chịu thiệt về lợi nhuận nhưng bù lại có sự ủng hộ của người dân.
Nhìn về dài hạn, doanh nghiệp còn được ở chỗ những trung tâm dịch vụ cao cấp, khách sạn… đó có chất lượng cao, có uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp cũng lên theo, thay vì đó là những tòa chung cư chỉ bán một lần là hết. Họ khai thác lượng khách ra vào trung tâm dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn nó sẽ tạo sức lan tỏa thương hiệu tốt hơn. Đây có thể nói là cái được dài hạn nếu doanh nghiệp biết cách khai thác.
Về phía thành phố, sẽ tránh được nguy cơ quá tải hạ tầng, tránh được sự tắc nghẽn, dồn nén về dân cư, về môi trường ở tại khu vực đó. Một điều nữa là tránh được sự xuống cấp về cảnh quan đô thị, bởi rõ ràng giữa nội đô lại “nhồi” hàng chục khu chung cư chật chội giống khu Linh Đàm với mật độ xây dựng dày đặc, điều đó làm xấu cảnh quan đô thị.
Cuối cùng, thành phố sẽ có thêm uy tín bởi bám sát được tổng thể quy hoạch chung, giữ được cảnh quan đô thị, từ đó uy tín chính sách cũng được nâng lên”.
TS. Nguyễn Minh Phong nói thêm: “Với cơ sở hạ tầng như hiện nay chỉ phục vụ cho những khu dân cư có mật độ thấp và những khu nhà hiện đang có thì cũng đã quá tải rồi, nếu vẫn xây thêm chung cư nhiều như vậy trong khi hạ tầng bổ trợ xung quanh không đảm bảo thì sẽ dẫn tới siêu quá tải, điều này làm khổ người dân và khổ cho cả thành phố.
Nếu thành phố bỏ tiền ra xây thêm mở rộng hạ tầng, nhưng xây thế nào trong bối cảnh hiện nay tất cả đang rất chật chội, không lẽ lại phá dỡ, lại di dân… dẫn đến gây xung đột về mặt xã hội, chưa kể Ngân sách Nhà nước sẽ bị tập trung quá mức vào những khu vực “không đáng” để đầu tư cho riêng khu dân cư ở đó. Có thể nói, việc điều chỉnh lần này là tốt nhất trong các lần điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội theo hướng tích cực”.
Cần hài hòa lợi ích các bên
Trao đổi với Reatimes, TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Với dự án xây dựng tại số 148 Giảng Võ xây toàn những tòa nhà cao 50 tầng, thời gian qua dư luận xã hội cũng đã bàn cãi rất nhiều, bàn ra tính vào bởi như vậy là “nhồi nhét” tăng mật độ dân cư, quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông… Trước dư luận như vậy, dự án cũng đã có điều chỉnh theo hướng bỏ bớt vài tòa nhà và xây thấp xuống vài tầng, nhưng như vậy mật độ vẫn đông và vẫn cao tầng.
Theo tôi được biết chủ đầu tư cũng đã xây dựng phần móng rồi nhưng bây giờ quyết định bỏ xây chưng cư cao tầng và phát triển theo hướng xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng… Có thể thấy đây là hướng điều chỉnh tốt. Khu Giảng Võ đông dân cư và đang thiếu những dịch vụ, giờ có thêm khu dịch vụ như vậy thì quá tốt”.
Dư luận cho rằng dù điều chỉnh thế nào thì cũng phải đảm bảo được nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Về vấn đề này, KTS. Trương Văn Quảng nói: “Theo tôi thì điều chỉnh như vậy rõ ràng doanh nghiệp bị thiệt. Khi phát triển dự án theo lợi ích của cộng đồng cũng như của thành phố thì doanh nghiệp cũng phải có lợi ích. Vì vậy khi điều chỉnh theo hướng nâng nhiều hơn lợi ích của thành phố và cộng đồng thì cũng cần tính toán thế nào đó để bù đắp lại cho doanh nghiệp nếu như họ bị thiệt nhiều.
Việc chuyển hướng dự án này theo tôi có ưu điểm, nếu chỉ là khu văn phòng, khách sạn, dịch vụ thương mại thì sẽ không có quá tải dân cư, như vậy không ảnh hưởng lớn đến giao thông và hạ tầng. Tôi cho rằng lần điều chỉnh này được nhiều hơn mất”.
Để tìm hiểu rõ hơn về quyết định này của TP. Hà Nội, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ đô thị xanh.
Ông Nguyên nhận định: “Việc phát triển một khu vực hiện hữu trong một đô thị cần phù hợp với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Đây cũng là một tiêu chí của phát triển đô thị bền vững.
Việc điều chỉnh của Hà Nội cho khu vực Giảng Võ là để không tăng áp lực dân số, tránh gây quá tải lên hạ tầng kỹ thuật khu vực là phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Nếu so sánh thì điều chỉnh lần này không tăng dân số tạo áp lực cho hạ tầng đô thị mà còn tạo ra các không gian công cộng dịch vụ phục vụ người dân, tôi cho rằng sự điều chỉnh này phù hợp.
Nếu muốn phát triển đô thị bền vững, lợi ích của cộng đồng xã hội hay người dân cần được quan tâm, do vậy nguyên tắc hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư luôn cần được tôn trọng, cùng nhau phát triển”.
Nguồn: https://reatimes.vn/ha-noi-huy-du-an-chung-cu-148-giang-vo-20201224000012933.html