Thận trọng trong từng giải pháp
Sau gần 8 tuần liên tục thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 24/7) theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, cho phép một số quận, huyện không có ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 3/9 được hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

Mặc dù nới lỏng nhưng xác định tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang trong giai đoạn khống chế, nên việc nới lỏng giãn cách, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới được thành phố tiến hành một cách rất cẩn trọng.

Trong đó, TP lưu ý các địa phương phải thật cẩn trọng, tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch và nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước mắt, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dịch vụ ăn uống, văn phòng phẩm, sửa chữa điện tử, điện lạnh… tại 19 quận, huyện, thị xã của Hà Nội được hoạt động trở lại và phải tạo điểm quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng; Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Lực lượng chức năng thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) tổ chức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19
Lực lượng chức năng thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) tổ chức cho các hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19

Người dân tại “vùng đỏ” vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 chỉ ra đường khi thật cần thiết và phải có giấy đi đường. Việc kiểm soát đi lại giữa các vùng và đặc biệt "vùng đỏ" vẫn phải duy trì chặt chẽ. Công an thành phố Hà Nội vẫn duy trì 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố cùng các chốt ở nội đô và các đơn vị tiếp tục kiểm soát người dân đi lại và kiểm tra giấy đi đường ở các chốt.

Trao đổi với báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, quyết định nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình thực tế trên từng địa bàn được thực hiện trên tinh thần là an toàn đến đâu, mở ra đến đấy; Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; Phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đến ngày 21/9, phải xác định cụ thể các điểm cách ly, phong tỏa để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ. Sau ngày 21/9, thành phố cần xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận; Tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất đối với các điểm đang thực hiện cách ly, phong tỏa; Đồng thời, thường xuyên có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.

"Sống chung với Covid" nhưng phải an toàn
Khỏi phải nói, quyết định từng bước nới lỏng của thành phố khiến người dân vui mừng, phấn khởi thế nào. Bởi Hà Nội đã giãn cách tới lần này là lần thứ tư, doanh nghiệp và người dân đều đã mệt mỏi, ngày đêm mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để phục hồi sản xuất, kinh doanh, trở lại nhịp sống thường nhật.

Sau khi văn bản của UBND TP được ban hành, một tinh thần phấn khởi được lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân. Trên các diễn đàn, người dân đã dành cho thành phố những lời khen tích cực: “Hà Nội chống dịch tuyệt vời”, “Hà Nội vẫn rất linh hoạt và hiệu quả ở công cuộc phòng, chống dịch”, “Không nghĩ tốc độ tiêm nhanh và kịp thời như vậy, Hà Nội cố lên”, “Hà Nội quản lý dịch quá xuất sắc!”…

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Ảnh: Vũ Sinh)
Kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại chợ đầu mối Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm (Ảnh: Vũ Sinh)

Cùng với tinh thần phấn khởi trong Nhân dân, sau khi văn bản số 3084/UBND-KGVX của UBND TP được ban hành, các quận, huyện được phép mở lại một số hoạt động kinh doanh đã triển khai ngay các phương án để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, như yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết, hướng dẫn các cơ sở cài đặt mã QR theo quy định ...

Đáng lưu ý, chỉ trong ngày 16/9 số lượng điểm quét mã QR quản lý thông tin người ra vào được tạo mới tại 19 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội là 8.327 điểm, gấp 4,5 lần số điểm tạo mới của ngày 15/9, đưa tổng số điểm quét mã QR trên địa bàn toàn thành phố lên 264.054 điểm. Điều đó cho thấy sự chủ động, tự giác của chính các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi được hoạt động trở lại. Đây không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng mà còn là bảo vệ chính mình, để được duy trì hoạt động, sinh kế.

Với vị trí là trung tâm của cả nước, nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát của Hà Nội còn rất cao bởi thế mọi sự thận trọng đều rất cần thiết. Đáng chú ý, trưa 18/9, Sở Y tế Hà Nội chính thức công bố ổ dịch mới trong cộng đồng ở phường Việt Hưng, quận Long Biên. Bước đầu đã có 3 người cùng gia đình và 3 hàng xóm ở ngõ 17 Kim Quan, tổ 14 Việt Hưng dương tính. Đây là ổ dịch trong cộng đồng mới nhất tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia y tế, nếu không thực hiện chống dịch quyết liệt, ý thức người dân chưa cao thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn TP Hà Nội. Vì vậy, khi các hoạt động dần được nới lỏng, việc duy trì và tuân thủ nghiêm mọi quy định phòng dịch càng phải được đặt cao hơn, không vì dần nới lỏng mà lơi lỏng nhiệm vụ này.

Hơn bao giờ hết, người dân cần nhận thức rõ, việc tăng tiếp xúc xã hội sẽ là thời điểm nhạy cảm, dễ tái phát sinh dịch bệnh và chỉ cần một vài người thả lỏng quá mức rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường.

Hiện, thành phố tiếp tục yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn rà, duyệt lại để xây dựng ngay kế hoạch tiêm vắc xin mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vắc xin nhằm đảm bảo hiệu quả tiêm chủng. Từ giờ cho tới khi Hà Nội phủ kín vắc xin toàn dân, trong bối cảnh vẫn chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết, người dân cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2m với người khác… Và cần xác định, “sống chung với Covid” nhưng phải “sống chung một cách an toàn”.

Theo tuoitrethudo.com.vn

Nguồn: https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-khong-buong-long-de-bao-ve-thanh-qua-phong-chong-dich-177822.html