Lập đoàn kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà chung cư

Hiện nay, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì mà còn nhiều vấn đề khác như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung-riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy... Trong đó, những sai phạm về quy hoạch và xây dựng là phổ biến nhất.

Trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Đồng thời ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư để kịp thời giải quyết dứt điểm các tranh chấp liên quan.

Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục xây dựng Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2040. Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành các kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Lập đoàn kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà chung
Lập đoàn kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà chung

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng từng yêu cầu các ngành, địa phương tổng rà soát, chấn chính các vướng mắc, tồn tại liên quan đến nhà chung cư. Điểm đáng chú ý là ngoài việc yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nhà chung cư hiện có, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị triển khai một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.

Yêu cầu Công an thành phố Hà Nội đẩy mạnh xác minh, xử lý theo quy định cản pháp luật đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ cho Ban quản trị nhà chung cư. Yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp nhằm phát hiện việc sử dụng căn hộ nhà chung cư vào các mục đích khác không phải để ở.

Sở KH&ĐT cũng được chỉ đạo phải công khai Danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp và danh sách các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa khắc phục xong vi phạm.

Sở Xây dựng tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư đồng thời công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai 149 dự án nhà ở, gồm 92 dự án nhà ở thương mại, cung cấp khoảng 34,69 triệu m2 sàn và 57 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 6,64 triệu m2 sàn nhà ở. Giai đoạn 2022-2025, dự kiến Thành phố sẽ có 76 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, cung cấp 18,82 triệu m2 sàn nhà ở.

Trong 2021, Hà Nội đã hoàn thành 06 dự án nhà ở thương mại, tương đương 351 nghìn m2 sàn; 02 dự án nhà ở xã hội tương đương 88 nghìn m2 sàn; 05 dự án tái định cư tương đương 105 nghìn m2 sàn.

"Gỡ vướng" những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý

Nhằm tăng cường tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP theo quy định, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhiều lần ban hành Công văn, chỉ đạo về tăng cường hiệu lực công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tập huấn và tổ chức tập huấn các VBQPPL về quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư cho các Ban quản trị.

Xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng chung cư, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương trong việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ tổ chức Hội nghị nhà chung cư thành lập Ban quản trị, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2%, xác định và bàn giao diện tích chung-riêng cho Ban quản trị nhà chung cư.

Có văn bản báo cáo Sở Xây dựng và UBND TP trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện để Sở Xây dựng báo cáo UBND TP có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn tổ chức Hội nghị nhà chung cư trong trường hợp chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư hoặc đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công theo quy định.

Cần gỡ vướng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý
Cần gỡ vướng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý

Quản lý chặt chẽ các hoạt động đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, đặc biệt việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; phối hợp với Công an thành phố Hà Nội (Cảnh sát PCCC) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC&CNCH tại khu chung cư, cho các chủ thể tham gia vào hoạt động quản lý, sử dụng nhà chung cư; thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định của pháp luật vê quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác trên vẫn còn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, như: Việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp chậm so với quy định; việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư còn bất cập và hạn chế; tranh chấp sở hữu chung - riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến; việc thành lập và kiện toàn tổ dân phố, chi bộ Đảng, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể đồng bộ với việc hình thành nhà chung cư, khu chung cư còn chưa kịp thời...

Theo nhận định của các chuyên gia, với những giải pháp khá đồng bộ với trọng tâm là việc nêu tên công khai các chủ đầu tư vi phạm, nếu được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả với yêu cầu rõ ràng về thời gian thực hiện, trách nhiệm liên đới thì được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được những tồn tại liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tại Hà Nội như sử dụng không đúng mục đích, chậm bàn giao quỹ chung cư hiện nay.

Nghị quyết 26-NQ/TU đề ra 2 mục tiêu: Thứ nhất, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi các nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.

Thứ hai, kịp thời đề ra và triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời ngăn chặn và giảm thiểu các tranh chấp, khiếu kiện phức tạp phát sinh trong công tác trên.

Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tăng cường phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp; nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và người mua nhà; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp của cấp ủy, chính quyền và các ngành trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-siet-chat-cong-tac-quan-ly-nha-chung-cu-20201231000004874.html