Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, ngoài các hệ thống siêu thị lớn, trung tâm thương mại thì mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi cũng có bước đột phá khi xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, đặc biệt là ở những thành phố lớn bởi ưu thế nắm bắt tốt nhu cầu của người tiêu dùng về sự tiện lợi trong mua sắm.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, khi phải thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng hình thành một thói quen mới là mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị mini thay vì chợ truyền thống bởi đây là những nơi có triển khai các biện pháp phòng dịch như trang bị nước rửa tay cho khách hàng, yêu cầu vị trí cách 2m đối với khách hàng... nên cũng hạn chế phần nào khả năng lây nhiễm.

"Nở rộ" các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi

Theo báo cáo thường niên của Nielsen về xu hướng mua hàng toàn cầu, người mua hàng Việt Nam thay đổi dần hành vi từ mua sắm, giảm vào chợ truyền thống - nhiều nhược điểm như chất lượng thực phẩm không đảm bảo, giá cả không ổn định; thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, siêu thị lớn, trung tâm thương mại thường xuyên hơn. 

Mua sắm tại các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang là xu hướng tiêu dùng mới, đặt biệt là "hậu Covid-19"

Nguyên nhân là người dân thành thị có ít thời gian hơn, phải đối mặt với nhiều lý do khách quan như ách tắc giao thông, công việc, sinh hoạt nên người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các giải pháp và sản phẩm tiện lợi để có thể cân bằng cuộc sống dễ dàng hơn. Xu hướng tiêu dùng mới này làm bùng nổ mô hình cửa hàng tiện lợi. Đây là kênh bán lẻ hiện đại, có hệ thống quản trị tốt, thường nằm ở những vị trí thuận lợi và tiện cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã tràn ngập những của hàng tiện lợi 24 giờ trên nhiều tuyến phố. Các cửa hàng tiện lợi này đều có chung đặc điểm là cơ sở vật chất tiện nghi, dịch vụ khách hàng tốt. Các sản phẩm hàng hóa tại cửa hàng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giao dịch nhanh, nhiều cơ sở mở hàng 24/24 đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi. 

Số lượng và thị phần thảo luận về các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên social media. (Nguồn: cafef)

Tính đến thời điểm hiện tại, chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam là Vinmart+ với dự kiến 4.000 cửa hàng vào năm 2020, Circle K hiện có gần 400 cửa hàng, Family Mart đặt mục tiêu đến năm 2023 đạt từ 1.500 - 2.500 cửa hàng, Coopmart gần 200 cửa hàng... còn các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi khác cũng đang nỗ lực để "nhân bản" các cơ sở.

Xét về độ nhận diện thương hiệu, VinMart+, Family Mart và Circle K hiện đang là 3 ông lớn dẫn đầu, theo báo cáo của Asia Plus. VinMart+ tỏ ra khá thịnh hành với đối tượng người tiêu dùng trên 30 tuổi, đặc biệt là các bà nội trợ. Trong khi Family Mart và Circle K lại được lòng các bạn trẻ từ 16 - 23 tuổi nhiều hơn.

Thống kê của Asia Plus tính đến tháng 5/2019 (Nguồn: The Leader)

Sở dĩ có sự phân hóa này là bởi các ông lớn trên thị trường đang thực thi các chiến lược khác nhau. VinMart+ theo đuổi mô hình siêu thị mini, bán nhiều mặt hàng rau củ, thịt tươi sống, nhu yếu phẩm thiết yếu. Còn Family Mart và Circle K có xu hướng phát triển thành mô hình "lai" trong việc cung ứng đa dạng mặt hàng bách hóa và quán cà phê thức ăn nhanh.

Trong khi đó, tiêu chí chung khi người dùng lựa chọn các cửa hàng tiện lợi là địa điểm gần nơi ở, nơi làm việc, trường học. Sau đó mới tới yếu tố như vệ sinh, thái độ phục vụ, thương hiệu và sự đa dạng mặt hàng.

Nhu cầu mua sắm tỷ lệ thuận với số lượng mô hình kinh doanh tiện lợi

Theo khảo sát của PV, các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi thường tập trung tại các khu dân cư đông đúc, các trường học, bệnh viện. Cụ thế, trên 1 tuyến đường ngắn thuộc khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), có đến 5 - 6 siêu thị, cửa hàng tiện ích xuất hiện dày đặc như Circle K, Vinmart+, Tmart, Coopmart, siêu thị mini Đức Thành... nhưng lượng mua/bán trong ngày tại từng cơ sở vẫn rất đông - điều này cho thấy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tỷ lệ thuận với những nơi tập trung đông cư dân và tạo điều kiện cho những cửa hàng, siêu thị một kênh phân phối tiện lợi.

1 đoạn đường ngắn nhưng có đến 5 - 6 siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện ích

"Khi mua sắm, đa phần người tiêu dùng rất quan tâm đến giá cả khi quyết định mua sản phẩm nào đó và bản thân tôi sẽ bị thu hút hơn khi có những chương trình khuyến mãi giảm giá hay quà tặng đi kèm. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang triển khai những chương trình này tốt hơn hẳn so với các tạp hóa, chợ truyền thống nên đó là lý do tôi thay đổi hành vi mua sắm theo xu hướng mới" - là chia sẻ của chị M.N (Đống Đa, Hà Nội)

Đồng quan điểm trên, chị Đ.T. P (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngoài sự tiện lợi trên, không gian mua sắm cũng thoải mái hơn. Dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng có sự khác biệt rất lớn so với mô hình kinh doanh tạp hóa truyền thống, hơn nữa nguồn gốc nhập khẩu rõ ràng, sản phẩm tươi mới, khách hàng được cập nhật cũng như nắm bắt được những ưu đãi một cách chi tiết và rõ ràng hơn thông qua tờ rơi, standee, banner...

Theo các chuyên gia trong ngành, với thế mạnh là hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả vừa phải, hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi đã và đang giúp tạo dựng thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước. Loại hình kinh doanh này dù chỉ chiếm diện tích khá khiêm tốn nhưng người mua có thể chọn lựa nhiều mặt hàng cần thiết cho cuộc sống, từ đồ ăn, thức uống đến cây kim, sợi chỉ; từ bàn chải, kem đánh răng đến văn phòng phẩm, thẻ nhớ điện thoại... Không chỉ tiện lợi trong mua sắm, loại hình kinh doanh này còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm được nhiều thời gian khi thanh toán. 

Việc thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mại cũng là "điểm cộng" của những mô hình tiện lợi này

Được biết, nhằm tạo điều kiện để đẩy mạnh xu thế phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công thương đã có những chính sách phù hợp, nhằm thúc đẩy sự phát triển của cửa hàng tiện lợi. Cụ thể, đối với những hệ thống phân phối dưới 500 m² đều không bị áp quy tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế – ENT (cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có cấp phép mở từng cơ sở bán lẻ cho DN). Việc xin giấy phép cũng dễ dàng hơn so với các hình thức bán lẻ khác.

Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ ngày càng phát triển trong năm nay và những năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Vụ cũng khuyến cáo, muốn giữ “chắc chắn” thị phần tại thị trường trong nước, các DN bán lẻ Việt cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng.

Theo xu thế phát triển chung, các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ phát triển mạnh và ngày một tăng nhanh, góp phần xây dựng văn minh thương mại và phục hồi gia tăng, phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này, khi dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiểm soát nhưng "tàn dư" để lại, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh là rất lớn...

Theo nghiên cứu của Taylor Nielsem Sofres Vietnam, 50% số hộ gia đình ở thành thị mua sắm ở siêu thị mỗi tháng, trong đó 30% cho siêu thị, 12% siêu thị bán lẻ, 8% trung tâm thương mại, 2% siêu thị nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu về sản phẩm tươi sống, ăn nhanh hoặc tiện lợi về khoảng cách, gần gũi khu dân cư mô hình cửa hàng tiện lợi chiếm nhiều ưu thế hơn so với các siêu thị lớn. Tại Việt Nam, Vinmart, Circle K, Tmart, Coopmart... là những công ty dẫn đầu trong việc đầu tư vào loại hình cửa hàng tiện lợi và đã có được những thành công nhất định trong phân khúc thị trường này. 


Theo Trúc An/Đô thị mới